Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

Phương Lâm
09/12/2022 - 10:12
Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

Các bậc phụ huynh tham gia một tiết học tiếng Việt cùng con

Nhiều năm nay, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều cách dạy tiếng Việt

Tại thôn Nậm Hẻm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, nhiều năm nay, thôn đã xây dựng Câu lạc bộ "Cha mẹ cho con làm quen sớm với tiếng Việt và toán". Cha mẹ sẽ chủ động xem sách và dạy cho các con.

Ngoài thời gian cô giáo dạy các học sinh ở trên lớp thì trẻ em dân tộc thiểu số ở xã Gia Phú còn được học tiếng Việt ngay tại gia đình.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Tham gia tiết học tiếng Việt cùng con giúp phụ huynh có thêm kỹ năng, phương pháp rèn con học ở nhà

Cha mẹ, ông bà cùng nói tiếng Việt, cùng ghép vần đọc sách báo cho trẻ. Nhờ đó, trẻ nói tiếng Việt lưu loát hơn, trẻ tự tin trong giao tiếp hơn.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều cách học để cùng nói tiếng Việt cho con.

Chị Bùi Thị Quyên - xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai - chia sẻ, các con của chị học tiếng Việt thông qua các trang website cô giáo gửi. Trang học này có các chủ đề để trẻ dễ tiếp cận từ dễ tới khó.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Các trường vùng cao ở Lào Cai tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh học tốt tiếng Việt.

Chị Quyên cho biết, bản thân chị muốn con được phát triển toàn diện nên khi nghe các chương trình đào tạo giáo dục tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số của cô giáo trao đổi, chị và gia đình đã đồng hành cùng con. Những lúc rảnh rỗi, bà mẹ lại cùng hai con tập đánh vần, ghép vần. So với trước đây thế hệ trẻ lớn hơn, chị Quyên thấy con mình đi học đỡ vất vả hơn. Ngôn ngữ tiếng Việt con nói sõi. Chị hi vọng bước đệm này sẽ giúp con phát triển toàn diện về ngôn ngữ.

Bà Nguyễn Thị Xuyến cũng ở xã Gia Phú chia sẻ, hàng ngày bà sắp xếp công việc gia đình, các cháu đi học về ăn uống và đến giờ là bà đưa cháu ra Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh dạy con làm quen với tiếng Việt, ghép vần, toán. Các con rất hào hứng với chương trình. Tại câu lạc bộ không chỉ có cha mẹ mà ông bà cũng tham gia. Nhiều người cao niên cũng tích cực hỗ trợ các con trong công cuộc giáo dục tiếng Việt.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Học sinh dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai tham gia các chương trình giao lưu tăng cường khả năng nói tiếng Việt.

Tại nhà trường, các trường đều xây dựng chương trình giáo dục "Tiếng Việt là tiên quyết của chất lượng". Các nhà trường trong tỉnh Lào Cai đều tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng đổi mới và linh hoạt, kết hợp giữa học và hành với Mô hình trường học đa văn hóa. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, tạo môi trường để học sinh được vui chơi, giao tiếp.

Theo cô giáo Vy Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai, nhiều năm nay trường yêu cầu toàn bộ giáo viên phải nói được tiếng dân tộc địa phương, làm tốt công tác giao tiếp mới có thể dạy song ngữ cho học sinh. Học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao, trẻ được học song ngữ Việt - Mông. Ngoài ra, các cô cũng vận động cha mẹ học sinh tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi khi chuẩn bị bước vào lớp 1 để giúp trẻ tự tin đến trường hơn.

100% trẻ được giáo dục tiếng Việt

Năm 2022, ngành Giáo dục Lào Cai đặt mục tiêu 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 97% học sinh lớp 1 đạt được yêu cầu cần đạt về môn tiếng Việt và đạt yêu cầu về năng lực ngôn ngữ...

Để đạt được mục tiêu này, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai chủ động phát huy những kinh nghiệm mô hình làm tốt hiệu quả để đưa nội dung giáo dục tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đưa nội dung giáo dục tăng cường giáo dục tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số và chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Xây dựng nội dung tăng cường tiếng Việt trong chương trình tự bồi dưỡng tập trung mở lớp bồi dưỡng, hướng dẫn quản lý giáo viên tự học tiếng dân tộc thiểu số để dễ dàng trong công tác giảng dạy. Ngành cũng tăng cường các học liệu trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong dạy học bằng tiếng Việt.

Không chỉ từ nguồn kinh phí nhà nước, Lào Cai cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa giáo dục, huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, đặc biệt hỗ trợ tài liệu hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm