Tăng cường giám sát, đảm bảo tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

PV
23/10/2022 - 07:25
Tăng cường giám sát, đảm bảo tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thảo luận tại tổ 7. Ảnh HH

Thảo luận tại tổ ngày 22/10, nhiều đại biểu Quốc hội chung nhận định việc triển khai chậm 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời kiến nghị sớm triển khai chương trình giám sát tối cao, đặc biệt ở những địa phương thực hiện cả 3 chương trình để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ triển khai.

Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 22/10, góp ý kiến về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho biết: Hiên nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia,  một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, các địa phương ban hành văn bản thực hiện. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai, đến nay, một số bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản theo quy định tại Điều 40, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương. 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh,đại biểu này đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương căn cứ triển khai thực hiện đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và đúng quy định của pháp luật và đây cũng là góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường giám sát, đảm bảo tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thảo luận tại tổ. Ảnh: BDN

Còn tại tổ 7, đại biểu Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đánh giá: Bên cạnh những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay đời sống người dân vẫn còn khó khăn. Đại biểu nhận định, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, biên giới, vùng căn cứ cách mạng chưa tương xứng, người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. 

Trong khi đó việc phân bổ vốn của Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương chậm, khiến các chính sách dân tộc bị gián đoạn, chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.

Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ ngân sách đầu tư cho các xã biên giới từ 15-20 tỷ đồng/năm để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng miền. 

Đồng thời đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho chủ trương gia hạn thời gian thực hiện giải ngân đến 30/6/2023 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời xem xét quy định thời gian giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 12 tháng kể từ ngày phân bổ vốn là phù hợp, nhằm đảm bảo đủ thời gian cho các địa phương, đơn vị triển khai.

Chung nhận định về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, việc ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn của một số cơ quan Trung ương chậm, đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, đề nghị Chính phủ cho kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2022 sang năm 2023, đồng thời có giải pháp đồng bộ khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai sớm chương trình giám sát tối cao về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt ở những địa phương thực hiện cả 3 chương trình để kịp thời chỉ ra những vấn đề và có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo tiến độ triển khai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm