Tăng cường sự an toàn cho các nữ nhà báo tác nghiệp

21/06/2018 - 13:59
Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức Hội nghị “Nhà báo an toàn, dân chủ” nhằm tìm giải pháp bảo vệ sự an toàn của các nữ nhà báo tại nơi làm việc, nơi tác nghiệp và tạo diễn đàn cho họ được cất cao tiếng nói khi bị quấy rối, đe dọa và bạo lực.
Thúc đẩy bình đẳng giới trong trong môi trường báo chí
Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết khi phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với phương tiện truyền thông cả trong việc xây dựng nội dung, việc ra quyết định xóa bỏ các khuôn mẫu về giới. Các phương tiện truyền thông có trách nhiệm lớn trong việc xóa bỏ tình trạng phân biệt và định kiến giới vẫn còn tồn tại.
 
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm qua, truyền thông vẫn đang là lãnh địa riêng của nam giới. Hiện ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia ngành truyền thông ở các nước nhưng trên thực tế, chỉ có 27% phụ nữ đảm nhiệm các công việc quản lý hàng đầu trong các tổ chức phương tiện truyền thông.
 
Nổi bật là bà Maria A. Ressa, người sáng lập, Giám đốc điều hành báo điện tử Rappler, nhà báo kỳ cựu người Philipines với 20 năm làm việc tại CNN. Bà đã biến Rappler thành một mạng lưới tin tức xã hội, nơi có những câu chuyện truyền cảm hứng cho sự tham gia của cộng đồng và các hoạt động kỹ thuật số thúc đẩy sự thay đổi xã hội.
a3-maria-a-ressa-rappler.jpg
Maria A. Ressa (áo hồng) - Người sáng lập, Giám đốc điều hành báo điện tử Rappler
 
Rappler chính là điểm hội tụ của báo chí chuyên nghiệp, trí tuệ của đám đông và truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh thủ lĩnh Maria, trong tòa soạn Rappler có rất nhiều nữ biên tập viên, phóng viên năng động, chuyên nghiệp trong thời đại làm báo công nghệ.
 
Theo ông Guy Berger, Giám đốc về quyền tự do báo chí và phát triển truyền thông của UNESCO, quan điểm bình đẳng giới trong môi trường làm việc truyền thông và bình đẳng giới trong công tác đưa tin đều có tính quan trọng như nhau. Còn theo Liên đoàn nhà báo quốc tế (IFJ), các phóng viên cần phải được đào tạo kiến thức về quan điểm giới và tính nhạy cảm giới.
a2-phong-vien-cua-myanmar-times.jpg
Nữ nhà báo tòa soạn Myanmar Times 
 
Truyền thông có trách nhiệm thông báo và giúp công chúng hiểu rõ các công ước quốc tế quy định bình đẳng giới là một quyền cơ bản của con người, các tác động tiêu cực từ tình trạng phân biệt đối xử, các định kiến giới, các hủ tục… Bên cạnh đó, theo IFJ, các công ty truyền thông nên xem xét các chiến lược tuyển dụng nhắm đến mục tiêu là có thêm nhiều phụ nữ hơn làm việc trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt trong vai trò ra quyết định ở các cấp biên tập viên cũng như ở vị trí tổng biên tập.
 
Nỗi lo trong thời đại kỷ nguyên kỹ thuật số 
Bà Alison Smale, Tổng thư ký Bộ phận Truyền thông công cộng của Liên hợp quốc, cho hay, trong 15 năm qua đã có sự gia tăng đáng kể tình trạng quấy rối trên mạng khiến sự an toàn của các nhà báo nữ đang là một vấn đề lớn trong thời đại kỷ nguyên kỹ thuật số.
 
Quấy rối tình dục vẫn là một vấn đề đáng quan ngại khi 18% nữ nhà báo bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, 34% trong số họ đã chứng kiến việc này thường xuyên diễn ra. Bàn về điều này, bà Maria Ressa cho biết, nhiều năm qua, bà chịu nhiều sức ép trong công việc. “Vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số trở nên ngày càng quan trọng. Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt với báo điện tử thì dữ liệu, thông tin số và tư liệu vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí.
a1-nu-phong-vien-chien-truong-o-syria.jpg
Phóng viên chiến trường ở Syria  
 
Bên cạnh đó, khi công nghệ thông tin và truyền thông xã hội phát triển mạnh, phụ nữ làm báo trở thành mục tiêu bị tấn công, quấy rối nhiều hơn so với nam đồng nghiệp”, bà Maria Ressa nhấn mạnh. Ở nhiều nơi, phong trào chống quấy rối tình dục Me Too (Tôi cũng vậy) đã lan rộng trong giới truyền thông nhiều nước, kể cả những nước bảo thủ ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
Ngoài ra, nhiều nữ nhà báo gặp nguy hiểm, thậm chí bị sát hại khi đang tác nghiệp. Tháng 10/2017, bà Daphne Caruana Galizia, nhà báo từng dẫn đầu cuộc điều tra về nạn tham nhũng tại Cộng hòa Malta, đã bị sát hại trong vụ tấn công bằng bom gài trên xe hơi của bà ở khu vực gần nhà riêng.
a4-daphne-caruana-galizia.jpg
Nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia bị sát hại
 
Phần lớn các bài báo đăng tải của bà tập trung phanh phui các mảng khuất liên quan tới vụ hồ sơ Panama với 11,5 triệu tài liệu rò rỉ về các chiêu trò trốn thuế của nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới liên quan tới hãng luật Mossack Fonseca.
 
Trước sự mất an toàn đối với nhà báo nói chung và nữ nhà báo nói riêng, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã lên án các hành vi chống lại các nhà báo và kêu gọi đảm bảo sự an toàn cho họ. Liên hợp quốc cũng đã thông qua Kế hoạch hành động về an toàn của nhà báo và vấn đề miễn trừ trách nhiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm