Tăng cường tiếp cận quyền đất đai đối với phụ nữ

11/12/2018 - 18:56
Hàng nghìn phụ nữ đã được đối xử công bằng, được đứng tên trong sổ đỏ; nhiều phụ nữ có vị trí và tiếng nói hơn trong gia đình và xã hội, giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, làm chủ cuộc sống…

Đó là những kết quả được đưa ra tại Hội thảo Tổng kết dự án “Tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ” ở Hà Nội ngày 11/12, do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Phụ nữ (ICRW) tổ chức. Dự án đã được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Giám đốc ISDS - cho biết, mục đích của dự án là nâng cao hiệu quả quyền sử dụng đất cho người nông dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, thông qua những nỗ lực vận động chính sách và can thiệp trợ giúp pháp lý.

 
khuat-thu-hong.jpg
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội 

 

Việt Nam đã có khung pháp lý về quyền đất đai của phụ nữ, tuy nhiên, việc thực thi lại gặp nhiều khó khăn do nhận thức hạn chế. Thực tế, những tài sản có giá trị như đất đai, nhà cửa và các tài sản có giá trị khác phải đăng ký sở hữu thường mang tên người chồng mặc dù đều do công sức của hai vợ chồng làm ra. Nhiều phụ nữ không biết những quy định pháp lý về quyền sở hữu bình đẳng của mình đối với những tài sản đó. Ngay cả những người biết về các quy định pháp lý nhưng lại bị trói buộc bởi quan niệm “của chồng, công vợ” nên không chủ động bảo vệ quyền của mình. Điều này có thể khiến người phụ nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.
 
du-an-tiep-can-dat-dai-cho-phu-nu-2.jpg
Một nông dân tìm hiểu quyền của phụ nữ

 

Đặc biệt, trong trường hợp ly hôn, phụ nữ không có tên trên sổ đỏ thường khó đòi hỏi được phần tài sản của mình. Những phụ nữ ly hôn hoặc góa chồng mà chưa có con hoặc không có con trai thường bị thiệt thòi. Họ có thể phải ra đi với hai bàn tay trắng cho dù họ đã lao động và đóng góp cho gia đình nhà chồng. Không ít trường hợp người phụ nữ là người mang lại thu nhập chính để mua tài sản đó nhưng đành phải chấp nhận thua thiệt.
 
du-an-tiep-can-dat-dai-cho-phu-nu-1.jpg
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho các tình nguyện viên

  

Để khắc phục những bất cập trên, dự án đã kết hợp hoạt động tư vấn pháp lý, nâng cao nhận thức về quyền ở cấp xã với nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm tăng quyền cho người nông dân, đặc biệt là phụ nữ, thực hiện quyền đất đai của họ. Dự án đã phối hợp với nhiều tổ chức quần chúng và 106 tình nguyện viên cộng đồng tuyên truyền về bình đẳng giới ở 8 xã (Dương Quang, Long Sơn, Nhân Hòa, Tân An, Hậu Thạnh Đông, Nhật Quang, Nhơn Ninh, và Phan Sào Nam) thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Long An.
 
Trong 4 năm triển khai dự án, các tình nguyện viên cộng đồng đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về quyền đất đai cũng như tư vấn pháp lý cho các cá nhân, hòa giải những mâu thuẫn liên quan đến đất đai và giúp chuyển các trường hợp còn vướng mắc tới các cơ quan liên quan. Đến cuối tháng 9/2018, các tình nguyện viên cộng đồng đã tư vấn cho gần 12.000 người về các vấn đề liên quan đến quyền đất đai. Từ đó giúp giải quyết hơn 3.300 trường hợp có liên quan đến đất đai, trong đó khoảng 95% số vụ việc được giải quyết theo hướng có lợi cho những người được các tình nguyện viên tư vấn.
 
phu-nu-nong-thon-1.jpg
Ảnh minh họa

 

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, quyền bình đẳng về tài sản là nền tảng căn bản của bình đẳng giới. Khi người phụ nữ có tài sản thì họ sẽ tự tin hơn, chủ động hơn trong bảo về các quyền chính đáng khác của mình cả trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ sẽ có cơ hội nhiều hơn để phát huy năng lực của mình trong sản xuất, tham gia đời sống chính trị-xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm