pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng huyết áp ở người trẻ: Thực trạng đáng báo động và cách phòng tránh
Trong một buổi khám sức khỏe miễn phí do Bệnh viện Hữu nghị Việt -Đức tổ chức tuần trước, các bác sĩ phát hiện có nhiều trường hợp người trẻ dưới 35 tuổi nhưng đã bị tăng huyết áp. Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa bao giờ đo huyết áp tại nhà, thỉnh thoảng đi khám ở bệnh viện mới kiểm tra huyết áp thấy hơi cao nhưng đều chủ quan, không khám chuyên khoa lại.
Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết một trường hợp điển hình mà ông gặp phải: Đó là một thanh niên 22 tuổi có tên Đ. V. T. ở Hà Nội với chỉ số huyết áp lên tới 140/90, là mức tăng huyết áp độ 1 ở người trẻ.
Trước đó không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng đã cấp cứu ngay trong đêm cho một nam thanh niên (34 tuổi, ở Thái Nguyên) được chuyển từ tuyến dưới lên vì bị phình, tách động mạch chủ type A trên nền bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Người nhà bệnh nhân thì cho biết nam bệnh nhân nghiện thuốc lá, mỗi ngày hút hết một bao và cũng thường uống rượu bia. Bệnh nhân có chiều cao 1,7m nhưng nặng gần 100 kg. Đây đều là những yếu tố lối sống làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp ở người trẻ.
1. Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch. Khi tiến hành đo huyết áp, bạn thường nhận được hai chỉ số, ví dụ như 120/80 tính bằng đơn vị mmHg. Con số đầu tiên (120) đại diện cho huyết áp tâm thu hoặc áp lực máu mà tim đẩy vào động mạch. Con số thứ hai (80) đại diện cho huyết áp tâm trương, hay áp lực giữa các nhịp đập của tim.
Hội tim mạch học Việt Nam phân loại các tình trạng tăng huyết áp theo bảng sau:
Khi huyết áp tâm thu cao hơn 140 hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 90, bệnh nhân được xác định là tăng huyết áp.
Có hai loại tăng huyết áp: nguyên phát và thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát còn được gọi là tăng huyết áp vô căn, không xác định được nguyên nhân cụ thể. Có từ 90-95% bệnh nhân tăng huyết áp là nguyên phát.
5-10% bệnh nhân còn lại là tăng huyết áp thứ phát, khi các bác sĩ phát hiện được nguyên nhân tình trạng, có thể là bẩm sinh hoặc một số bệnh lý, rối loạn trong cơ thể.
2. Báo động tăng huyết áp ở người trẻ
Bạn dưới 35 tuổi và cảm thấy sức khỏe tim mạch của mình không có vấn đề gì. Nhưng một ngày đi khám sức khỏe các bác sĩ nói rằng có thể bạn đã bị tăng huyết áp. Đó có thể là một bất ngờ với bạn, nhưng các bác sĩ thì không.
Nhiều người trẻ thường chủ quan rằng tăng huyết áp chỉ là căn bệnh của người già. Họ hiếm khi kiểm tra huyết áp tại nhà và chưa bao giờ phát hiện hay điều trị tăng huyết áp. Nhưng trên thực tế, căn bệnh có thể tấn công cả những người trẻ, dưới 35 thậm chí ngay trong tuổi 20.
Bác sĩ Khổng Tiến Bình cho biết, bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng đặc hiệu nhưng đa phần bệnh nhân đến khám có biểu hiện: Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu… Khi siêu âm tim phát hiện độ dày thành tim tăng, các bác sĩ xác định bệnh nhân chắc chắn bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp của người trẻ được gọi là "kẻ giết người thầm lặng", vì nó có thể dẫn đến nhiều tình trạng đe dọa tính mạng như bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh thận. Nếu không được điều trị sớm, tăng huyết áp sẽ dẫn đến những tổn thương ở tim và cơ quan nội tạng khác.
Trong các ca bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện nay, khoảng 70% liên quan đến tăng huyết áp.
3. Phòng tránh tăng huyết áp ngay từ khi còn trẻ
Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra hầu hết chúng ta (90% dân số) sẽ bị tăng huyết áp khi sống đến cuối đời. Do đó, phòng ngừa tăng huyết áp khi còn trẻ tuổi cũng là phòng ngừa tăng huyết áp cả đời. Để thực hiện điều đó, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh với các thói quen sau:
- Giữ cân nặng trong mức lành mạnh: Những người thừa cân, béo phì có thể tăng từ 5-10 điểm trên chỉ số huyết áp. Vì vậy, giữ cân nặng trong ngưỡng BMI từ 18,5 – 24,9 là một mục tiêu quan trọng để phòng ngừa tăng huyết áp.
- Chế độ ăn DASH: Đây là chế độ ăn được chứng minh giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp. Cơ bản, đó là một chế độ ăn tăng cường rau quả, giảm chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Thực hành chế độ ăn DASH có thể giảm từ 8-14 điểm trên chỉ số huyết áp.
- Giảm ăn muối: Bạn nên quản lý lượng muối ăn vào mỗi ngày dưới 2.400 mg, tương đương dưới 1 thìa cà phê. Thói quen ăn uống của người Việt hay sử dụng nước chấm, nước mắm, trong khi đây là một nguồn muối cao cần được chú ý. Các nghiên cứu chỉ ra chế độ ăn DASH giữ lượng muối tiêu thụ ở khoảng 1.600 mg/ngày có thể cho hiệu quả tương đương thuốc điều trị tăng huyết áp. Điều này có thể giúp giảm 2-8 điểm trên chỉ số huyết áp tâm thu.
- Vận động và tập thể dục thường xuyên: Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như với bài tập đi bộ nhanh. Điều này có thể giúp giảm 4-9 điểm trên chỉ số huyết áp tâm thu.
- Quản lý đồ uống có cồn: Mức tiêu thụ đồ uống có cồn được khuyến cáo để có sức khỏe tốt là không quá 2 đơn vị cồn/ngày. Để tính toán, 1 đơn vị cồn = (số ml rượu (bia) x nồng độ % cồn)/1000). Tuân thủ nguyên tắc này có thể giúp bạn giảm 2-4 điểm trên chỉ số huyết áp.