Không phải chỉ đến Thương lắm tóc dài ơi người ta mới thấy tấm lòng bao dung và “thương vay” mà nhạc sĩ của những bản tình ca say đắm lòng người dành cho phụ nữ. Dường như Phú Quang sinh ra làm người viết tình ca thấu hiểu những nhọc nhằn, đa đoan của phận hồng nhan. Chưa bao giờ, ở những nhạc phẩm của ông, kể cả Thương lắm tóc dài ơi, người ta có thể nhận thấy, dù chỉ một khoảnh khắc, sự phân tâm, hời hợt hoặc vị kỷ tồn tại trong tình thương rất đỗi con người.
Ở Thương lắm tóc dài ơi, tình thương ấy còn bao gồm cả nỗi xót xa và có chút gì đó bất nhẫn. Trong từng câu hát như bỏng rát cả nỗi buồn và sự bất lực khi phải chứng kiến những “thân cò lặn lội” giữa dòng đời mê mỏi, đục trong. Nghe những ca từ da diết nỗi buồn của Phú Quang, cả những người phụ nữ cũng thấy thương thân. Nhưng cũng chính những ca từ này, sưởi ấm lại nỗi tủi hờn thân phận, bởi một lẽ rất thường tình, là sự sẻ chia rất con người…
Nghe nhạc Phú Quang, nghe Thương lắm tóc dài ơi, những hạt mưa sa, những tấm lụa đào, những kiếp hoa trôi bỗng thấy mình nhỏ bé trong vòng tay ấm áp của mối cảm thông rất chân tình. Không cần đến những mỹ từ xa hoa, hào nhoáng, lối ví von xưa cũ, tưởng đã nhàm, trong Thương lắm tóc dài ơi bỗng gợi nên nỗi xúc động khó nói thành lời. Những hình ảnh “thân cò lặn lội”, “dòng đời đục trong”, “triền sông giá buốt”, “yếm rách”, “tình em dang dở”, “cánh chim chiều đã mỏi…” gợi nên biết mấy những nỗi nhớ tiếc, hoài vọng của những ai từng trải qua một thời con gái, duyên hải hay sơn cước, thành thị hay thôn dã, ngày nay, ngày tới hoặc xa xưa…
Thứ tặng phẩm tâm hồn mà nhạc sĩ Phú Quang mang tặng cho những thân phận tóc dài không chỉ là “tiếng ca buồn” bỏng rát mà đáng quý hơn cả là tấm lòng bao dung nhân hậu mà không một lời lẽ nào có thể bao chứa được.