'Tặng phong bì' ngày 20/11: Chuyện nhạy cảm?!

19/11/2018 - 11:34
Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thầy giáo Đào Tuấn Đạt cùng giáo viên của Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đưa ra “lời kêu gọi” khiến nhiều phụ huynh và cộng đồng… sốc. Nguyên văn lời của thầy Đạt: “Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11”.
1. Nếu không đọc hết những tâm tư, chia sẻ của thầy Đạt, chưa tìm hiểu ngọn ngành, chỉ dừng lại ở những dòng đó thôi, hẳn nhiều người sẽ buông những lời bình phẩm không thiện ý và khiếm nhã. Sở dĩ thầy Đạt cùng các thầy cô trong trường đưa ra thông điệp ấy vì theo thầy, hoa được tặng nhiều rồi cũng héo, trong khi đó còn rất nhiều học sinh còn khó khăn.
 
Vì thế, thầy mong muốn sẽ dùng toàn bộ số tiền được trao tặng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cùng với số tiền thầy trò của trường gây quỹ được bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở Hồ Gươm... để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở trường tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
 
dat.jpg
Thầy giáo Đào Tuấn Đạt kêu gọi mọi người tặng phong bì để mua chăn ủng hộ các thầy cô giáo và học sinh trường Tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

 

Ý tưởng của thầy Tuấn Đạt đã nhận được nhiều bình luận tích cực và ủng hộ của dư luận. Tặng phong bì/kêu gọi được tặng phong bì thay vì những món quà khác chẳng có gì là xấu, nếu nó được sử dụng thiện tâm với những việc làm có ích.
 
“Từng có nhiều người đưa ra thông điệp rằng họ sẽ không nhận hoa/quà trong đám cưới, sinh nhật mà sẽ dành toàn bộ số tiền phong bì được tặng để làm từ thiện. Những việc làm này rất đáng trân trọng. Với hành động kêu gọi tặng phong bì và mong muốn nhận được nhiều phong bì trong Ngày Nhà giáo Việt Nam để chia sẻ với các thầy cô, học sinh nghèo miền núi, chiếc phong bì của ngày 20/11 sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều”, chị Nguyễn Hà Linh, một phụ huynh học sinh, bày tỏ.
 
Giờ đây, tặng phong bì cho nhau không còn là chuyện xa lạ, thậm chí còn trở thành xu hướng tất yếu trong cuộc sống. Ý nghĩa của chiếc phong bì trở nên tốt đẹp nếu nó bắt nguồn từ thiện tâm, chân thành, mang thông điệp tỏ lòng tri ân, chia sẻ, hỗ trợ, quan tâm... Ngược lại, chiếc phong bì sẽ mang ý nghĩa tiêu cực, xấu xí nếu đó là sự tư lợi, đổi chác, bán mua, toan tính... Thiết nghĩ, bản chất chiếc phong bì (được sử dụng trong ngày lễ của các thầy cô giáo) không xấu, chiếc phong bì không có lỗi, lỗi chăng chính là ở động cơ sử dụng chiếc phong bì (cả bên tặng và bên nhận).
 
2. Tôi có cô bạn thân dạy môn Họa ở một trường THCS ngoại thành Hà Nội. Cô bạn ấy nổi tiếng là... hâm. Chơi với nhau từ hồi đi học nên tôi rất hiểu tính bạn. Cô ấy sống chân thành, thẳng thắn và luôn vì người khác nên chuyện bị coi là “hâm” khiến tôi lấy làm lạ. Và rồi cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu lý do vì sao cô ấy bị cho là... hâm.
 
“Kể từ khi ra trường, đến nay đi dạy đã được gần 20 năm, với tất cả các lớp mình làm công tác chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy, mình đều nói rõ quan điểm, sẽ chỉ nhận 1 bó hoa của học trò vào ngày 20/11, còn lại sẽ không nhận bất kỳ chiếc phong bì nào của bất kỳ học sinh nào, lớp nào, vào bất kỳ dịp nào và với bất kỳ lý do nào”, cô bạn tôi cho hay. Thế nên, ngay cả “quà phong bì” của ban phụ huynh lớp, cô ấy cũng kiên quyết trả lại. Có lẽ vì thế mà cô ấy (trong mắt đồng nghiệp và cả không ít phụ huynh) bị coi là... hâm?!
 
“Mình đã nói rõ, đấy là quan điểm của cá nhân, không liên quan đến các giáo viên khác nên xin mọi người tôn trọng mình. Thà mình bị tiếng “hâm” chứ khi cầm chiếc phong bì “cảm ơn”, mình cứ thấy thế nào ấy. Mình nói với học trò, các con tôn trọng cô, nghiêm túc trong giờ học của cô, ấy là món quà lớn nhất rồi”, cô bạn tôi bộc bạch.
 
Câu chuyện của bạn cứ làm tôi băn khoăn rất nhiều. Mà cũng phải thôi, khi tất cả dòng người đang đi cùng một chiều (có thể là chiều thuận hoặc chiều ngược) nhưng bỗng có riêng mình cô ấy, tách ra đi chiều ngược lại, thì việc bị coi là... hâm cũng dễ hiểu!
 
1_20812.jpg
Chiếc phong bì tặng ngày 20/11 có khi trở nên vô cùng nhạy cảm, vì nó không được đo bằng giá trị lòng biết ơn mà là biểu hiện của sự thực dụng

 

Còn cô giáo V.A đang dạy tại 1 trường tiểu học ở nội thành Hà Nội kể, trước thềm 20/11 năm ngoái, ngay đầu giờ học, 1 học sinh mang lên đưa cho cô 2 chiếc phong bì với lời nhắn: “Mẹ con bảo con mang lên gửi cô ạ”. Sau khi cầm chiếc phong bì lên xem thì cô thấy, 1 chiếc ghi “Phụ huynh em... nộp quỹ lớp”; còn 1 chiếc phong bì ghi: “Chúc mừng cô giáo nhân ngày Tết của thầy cô”. “Cảm giác lúc ấy thật khó tả. Giận dữ, xúc phạm, xấu hổ... Tôi cảm thấy như mình đang bị người khác ném vào mặt chiếc phong bì với thái độ thiếu tôn trọng. Nhưng trước mặt học sinh, tôi cố gắng kiềm chế và bảo với học trò: “Cô sẽ nhận 1 chiếc phong bì nộp quỹ lớp, còn 1 chiếc, cô nhờ con mang về đưa lại cho mẹ giúp cô. Rồi cô sẽ gọi điện cho mẹ con sau nhé! Suốt ngày hôm đó, cứ nghĩ đến chiếc phong bì của phụ huynh, tôi lại chỉ muốn khóc. Tôi tổn thương vì cảm thấy mình bị coi thường, ngày lễ của mình bị rẻ rúng. Ngay tối hôm đó, tôi đã gọi điện cho phụ huynh học sinh, cố kiềm chế, giữ thái độ nhã nhặn và tôn trọng, đồng thời nêu rõ quan điểm cũng như cảm giác bị thiếu tôn trọng của tôi. Mặc dù phụ huynh học sinh đó ra sức xin lỗi, thanh minh nào là chuyện tặng phong bì cho cô giáo nhân ngày 20/11 là hết sức bình thường, nào là vì bận nhiều việc nên không trực tiếp đến gặp cô được, sợ ngày mai thì qua mất ngày lễ... Vị phụ huynh ấy khẳng định, chiếc phong bì tấm lòng cảm ơn cô đã dạy dỗ con mình... nhưng thực sự, cảm giác buồn, ức chế và tổn thương còn đeo đẳng mãi trong tôi. Giá như, vị phụ huynh ấy thay vì cho con mang phong bì đưa cho cô, chỉ cần 1 cuộc điện thoại chúc mừng, tôi sẽ vui hơn biết bao nhiêu”, cô giáo V.A tâm sự.
 
3. Xung quanh câu chuyện văn hóa phong bì trong ngành giáo dục và chiếc phong bì trở thành “sản phẩm”, 1 món quà chính trong ngày 20/11, tôi đã mang những băn khoăn này tâm sự với cô giáo dạy Văn thời cấp II của tôi. Cô trải lòng: “Tặng quà thầy cô là một cách tri ân, bày tỏ tấm lòng biết ơn thầy cô. Ngày xưa, kinh tế còn khó khăn, mỗi dịp 20/11, các thầy cô lại nhận được vô số quà tặng của học sinh. Nhưng hồi ấy, quà tặng chỉ là bó hoa bọc giấy bóng kính rất đơn sơ, phổ biến nhất là cuốn sổ và cây bút. Lớp nào cũng tặng sổ và bút nên với nhiều thầy cô, sau mỗi đợt 20/11, có cả chồng sổ với bút, dùng vài năm chẳng hết. Xưa chỉ học sinh đến tặng và chúc mừng thầy cô thôi. Còn nay, đời sống kinh tế khá giả, phụ huynh học sinh quan tâm đến thầy cô nhiều hơn với những món quà giá trị kinh tế cao hơn.
 
Những năm trước đây còn có trào lưu tặng thầy cô vải vóc, quần áo, khăn, mỹ phẩm... Rồi dần dần, phụ huynh chuyển sang phong bì cho... tiện. Nếu coi chiếc phong bì là món quà tặng để tri ân nhau thì cũng giống như việc trước đây ta đi thăm người ốm bằng đường sữa, còn nay ta hay tặng người ốm phong bì, một phần là để chia sẻ thiết thực với người bệnh.
 
tt1_oyfu.jpg
Học sinh tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân Ngày 20/11. Ảnh minh họa: Ngọc Châu
 
Thế nhưng, chiếc phong bì thăm người ốm không bị lên án, thậm chí còn được khuyến khích vì động cơ của việc chia sẻ này trong sáng, thành tâm. Còn trong ngành giáo dục, chiếc phong bì trở nên vô cùng nhạy cảm, vì nó không được đo bằng giá trị lòng biết ơn mà là biểu hiện của sự thực dụng. Cách nghĩ ấy đã làm biến đổi ý nghĩa của chiếc phong bì. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, thực sự, trong ngành giáo dục hiện nay, có một bộ phận nhỏ thầy cô thực dụng, thiển cận; thậm chí, có người còn lộ liễu gợi ý phong bì (tức “hoa đồng tiền”) thay vì lời chúc hay các món quà khác từ phụ huynh”!
 
Vẫn biết, “muốn sang thì bắc cầu kiều/muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Ngày mai là 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy cùng để lòng biết ơn thầy cô lên tiếng, bằng những hành động, việc làm thiết thực và có ý nghĩa. Đừng để những chiếc phong bì thực dụng làm xói mòn hình ảnh của ngành giáo dục, làm mai một hình ảnh cao cả của những người THẦY.
 

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định số 167-HĐBT về Ngày Nhà giáo Việt Nam, với nội dung:

Điều 1: Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điều 2: Để ngày 20/11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm từ tháng 10, các cấp chính quyền và toàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấp tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều 3: Việc tổ chức ngày 20/11 hàng năm do Ủy ban Nhân dân và Hội đồng các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.


Việc tổ chức này nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Điều 4: Trong ngày 20/11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm