pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Cần sự nỗ lực của nữ ứng cử viên
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội - Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội - Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại hội thảo khu vực phía Nam "Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) và việc thúc đẩy bình đẳng giới" diễn ra ngày 15/4 tại TPHCM.
Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Bà Thúy Anh cho biết, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng, then chốt không những đem lại quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong lĩnh vực này mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ cất lên tiếng nói đại diện cho giới, phát huy kinh nghiệm và quan điểm trong quyết định chính sách.
Việt Nam luôn quan tâm đến việc thực hiện, thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, nước ta vẫn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.
Theo bà Thúy Anh, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72% và tỉ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả ba cấp đều cao hơn nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu 30% như mong muốn.
Còn hơn 1 tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Theo quy định, tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đảm bảo tối thiểu 35%. Đến thời điểm này, Việt Nam đang tiến hành Hội nghị hiệp thương lần ba, chưa có số liệu tổng hợp tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trên toàn quốc.
"Để đạt được tỉ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước và đặc biệt đạt tối thiểu 30% như mục tiêu mong muốn là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả và quyết tâm chính trị cao. Quan trọng hơn nữa là sự nỗ lực, cố gắng của chính các nữ ứng cử viên Quốc hội, HĐND các cấp", Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội - Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tại Quốc hội quá XIV, tỉ lệ nữ ứng cử viên là 38,97% trên tổng số ứng cử viên (339/870). Tỉ lệ nữ trúng cử là 26,7% trên tổng số đại biểu Quốc hội (132/494). Đặc biệt, tỉ lệ trúng cử của ứng cử nữ thấp hơn nhiều so với nam. Cụ thể, nữ đại biểu Quốc hội trên nữ ứng cử viên là 38,9%; trong khi đó nam đại biểu Quốc hội trên nam ứng cử viên là 68,2%.
"Để tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, quan trọng nhất vẫn phải dựa vào các nữ ứng cử viên. Nữ ứng cử viên trúng cử càng nhiều thì chắc chắn tỉ lệ đại biểu nữ càng tăng", ông Thành chia sẻ.
Tập huấn tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho phóng viên báo chí