Tăng tuổi hưu có ảnh hưởng đến quy hoạch cán bộ, giữ 'ghế'?

31/05/2019 - 10:53
Mặc dù Bộ LĐTBXH khẳng định việc tăng tuổi hưu không ảnh hưởng đến việc cán bộ “giữ ghế” do lộ trình tăng chậm và có tính toán tương quan với độ tuổi dân số, song vẫn không ít người cảm thấy băn khoăn về điều này. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - giải thích rõ hơn về tương quan này.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận lấy ý kiến về các phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Trong rất nhiều băn khoăn về việc cần đánh giá tác động xã hội khi đưa ra lộ trình tăng tuổi hưu, nhiều ý kiến cho rằng có tương quan đến độ tuổi quy hoạch của đội ngũ lãnh đạo.

Trao đổi thêm với báo chí về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - thừa nhận, nếu nói tăng tuổi nghỉ hưu không tác động đến độ tuổi quy hoạch là không đúng. Tuy nhiên tác động này là rất chậm, theo ông Lợi.

“Ví dụ, anh nâng 1 tuổi, tác động ngay 1 năm, nâng 3 tháng thì chỉ tác động 0,4 năm. Sự tác động này chậm hơn có thể đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, tăng tuổi nghỉ hưu thì công tác quy hoạch những người giữ chức vụ lãnh đạo sẽ được cộng thêm tương ứng” - ông Lợi giải thích.

 

loi.jpg
ĐB Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - nói về tác động của việc nâng tuổi hưu

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, đề xuất tăng tuổi hưu sẽ ít nhiều tác động đến chuyện thay thế đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Do đó, Chính phủ phải có nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số quy định của Đảng, Nhà nước về việc giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ nên vận dụng một thời gian để đỡ căng thẳng câu chuyện “giữ ghế”.

“Nam được nâng tuổi hưu từ 62 lên 67 tuổi và nữ từ 60 lên 65 tuổi, tức là được kéo dài thêm 5 năm. Nhưng nếu khi đó, năng lực, khả năng, sức khoẻ, trí tuệ để lãnh đạo… bị hạn chế thì cán bộ ấy cũng không nên giữ vị trí lãnh đạo nữa, chỉ tập trung làm chuyên môn, tạo cơ hội cho lớp trẻ. Người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, đảng có đề xuất, người ta có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao” -  ông Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Nói rõ hơn về điều này, ông dẫn chứng trong Bộ Chính trị có những người đã 65, 67 tuổi nhưng vẫn cần được giữ lại, vì đây là những nhân tố cốt cán của lãnh đạo. “Không phải họ thích làm, mà đây là nhu cầu của Đảng, có sự tín nhiệm của nhân dân” - ông nói.

Về tương quan giữa nâng tuổi hưu và giảm cơ hội việc làm của người trẻ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội khẳng định, lo ngại ấy chỉ đúng với thời bao cấp, còn hiện nay phải qua khâu thi tuyển, tuyển chọn chứ không phải qua phân bổ, vì thế không có chuyện làm mất cơ hội của cán bộ trẻ.

Tuy nhiên, để ổn định, tránh xáo trộn không cần thiết, ông Lợi cho rằng vẫn cho rằng nên tuân thủ chính sách “giữ chức vụ lãnh đạo không quá hai nhiệm kỳ, những người ở lại kéo thêm sau 5 năm thì chủ yếu làm chuyên môn”.

“Bộ luật Lao động (sửa đổi) làm hơi gấp, hơi nhanh, vì thế cần tiếp tục lấy ý kiến người lao động ở tất cả các ngành nghề lao động, để xác định ngành nghề nào có thể làm đến 60 hoặc 62 tuổi, ngành nghề nào không thể nâng lên được, thậm chí, ngành nghề nào phải giảm tuổi nghỉ hưu. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong dư luận” - ông nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm