Tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận giáo dục tài chính thông qua điện thoại di động

Ngọc Vân
30/09/2020 - 06:55
Tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận giáo dục tài chính thông qua điện thoại di động

Tạo cơ hội hộ nghèo và các đối tượng yếu thế tiếp cận giáo dục tài chính thông qua điện thoại di động. Ảnh: NHCSXH

Với sứ mệnh đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã nghiên cứu và mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động.

Trước xu thế toàn cầu hóa và những biến chuyển của nền kinh tế nước nhà, câu chuyện giảm nghèo, an sinh xã hội luôn là nỗi trăn trở để làm sao đưa đất nước đi lên, hội nhập, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Trong chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, một trong những mục tiêu phát triển NHCSXH đó là, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động NHCSXH, góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam. 

Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông (NHCSXH) cho biết: Phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng nói riêng và tại Việt Nam nói chung như: mở rộng tiếp cận khách hàng; tăng cường giáo dục tài chính cho đối tác và khách hàng; các sản phẩm của NHCSXH luôn hướng đến sự thuận tiện cho khách hàng; tăng cường bảo đảm quyền lợi khách hàng và ứng dụng tài chính kỹ thuật số trong hoạt động.

Tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận giáo dục tài chính thông qua điện thoại di động - Ảnh 1.

NHCSXH và tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Giáo dục tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên điện thoại di động" sáng 29/9 tại Hà Nội.

Đầu năm 2019, NHCSXH và tổ chức Oxfam và đã ký thoả thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động. Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động là giải pháp nhằm thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại NHCSXH và kiến thức cơ bản về quản lý tài chính gia đình.

NHCSXH mong muốn giúp khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, qua đó giúp tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thông qua giáo dục tài chính không chỉ góp phần trực tiếp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH mà còn thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. 

Để đánh giá hiệu quả của các chương trình giáo dục tài chính, ngày 29/9/2020, tại Hà Nội, NHCSXH và tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Giáo dục tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên điện thoại di động". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến "Nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động" với sự hợp tác giữa NHCSXH và Oxfam tại Việt Nam.

Việc triển khai sáng kiến “Nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động” là một giải pháp nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thông tin về tài chính số, thông tin đào tạo về sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại. Trong đó, ứng dụng cung cấp cho khách hàng một số bài học liên quan đến sản phẩm ngân hàng dành cho khách hàng, kỹ năng về quản lý tiền, chi tiêu, dự toán ngân sách gia đình, tiết kiệm và vay tiền cũng như các dịch vụ hiện đại từ đó khách hàng nâng cao được kiến thức của mình liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và tài chính.

Tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận giáo dục tài chính thông qua điện thoại di động - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã chia sẻ, thảo luận về định hướng, cơ hội và khuyến nghị, giáo dục tài chính là cầu nối với dịch vụ tài chính cho người nghèo.

Bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam, chia sẻ: Mục đích của dự án là nhằm giúp các khách hàng của NHCSXH nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, giúp tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Với sứ mệnh của mình, trong 18 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã luôn đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách giúp họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội, cùng hòa nhịp với sự phát triển của đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trải khắp toàn quốc với 63 chi nhánh tỉnh, thành phố, 625 phòng giao dịch cấp huyện, trên 10.400 Điểm giao dịch tại xã/phường và gần 174.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn xóm,ấp, bản làng.

Thông qua hơn 20 chương trình tín dụng chính sách đã có trên 38 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đến 31/8/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 221.515 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm