pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo "lá chắn" bảo vệ phụ nữ trên không gian mạng

Bà Lô Thị Thuận (bìa trái) thăm hộ gia đình chế biến chè ở Ngọc Lâm
Hơn 1 năm trước, vợ chồng bà Lương Thị H., ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) bất ngờ nhận được thông tin "thuê bao của quý khách đã trúng giải thưởng đặc biệt". Người báo tin cho biết, bà H. may mắn trúng chiếc xe máy tay ga trị giá 80 triệu đồng. Để nhận được món quà lớn, bà H. chỉ cần trả chi phí vận chuyển 10 triệu đồng, sau đó sẽ có người chuyển xe máy về tận nhà.
Là người hiền lành, chất phác, bà H. rất vui mừng trước thông tin được "người nhà mạng" cung cấp. Thế nhưng, với "10 triệu tiền phí vận chuyển" vẫn là quá lớn với gia đình bà H. Sau khi nhờ người quen chuyển trước 3 triệu đồng, bà H. tiếp tục chạy vạy khắp bản để vay mượn thêm. May mắn, có người nhận ra đây là trò lừa đảo và khuyên bà H. không chuyển tiền cho đối tượng.
Thông tin cũng được cán bộ Hội LHPN xã Ngọc Lâm nắm được và cán bộ đã lập tức đến nhà phân tích, khuyên nhủ và bà H. đã nghe lời. Mất 3 triệu đồng, đó cũng là bài học đắt giá cho bà H. và nhiều người dân ở xã Ngọc Lâm.
Bà Lô Thị Thuận 1 Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lâm - cho biết, xã mới được thành lập năm 2009. Đây là xã tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái - những người từ huyện Tương Dương chuyển về để nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ. Khi mới thành lập, sóng điện thoại "bập bõm", trong khi cả xã chỉ có 3 máy vi tính, các tổ chức chính trị xã hội phải dùng chung 1 máy, điện thoại vẫn là thứ xa xỉ.
Thế nhưng, khi sóng điện thoại được phủ khắp các bản làng và chiếc điện thoại thông minh trở nên phổ biến, xã có trên 1 nghìn hội viên phụ nữ hầu hết đã có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo các nền tảng xã hội.
Với Hội LHPN xã Ngọc Lâm, sử dụng mạng xã hội và ứng dụng CNTT vào trong các hoạt động hội là rất cần thiết. Hội LHPN xã đã thành lập các nhóm Facebook, Zalo để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về hoạt động Hội các cấp, đồng thời kết nối hội viên, phụ nữ giúp phát triển kinh tế.

Cán bộ Hội LHPN xã Ngọc Lâm thăm vườn chè của một hội viên
"Thông qua ứng dụng CNTT, các hoạt động của Hội được triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn. Nếu như trước đây cán bộ Hội phải về tận cơ sở tuyên truyền những chủ trương, chính sách, nay chỉ cần có điện thoại Smartphone, ai cũng có thể truy cập, nắm bắt thông tin kịp thời và hưởng ứng thực hiện. Xã Ngọc Lâm có 6 bản, có bản cách UBND xã 14 km, nhờ CNTT nên đã xóa đi mọi khoảng cách về địa lý", bà Thuận chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Thuận: "Mạng xã hội cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng như con dao 2 lưỡi, tồn tại những mặt trái, nếu người dùng không tỉnh táo sẽ gây ra mối họa khó lường".
Kể từ sau vụ bà Lương Thị H. bị lừa trúng giải thưởng, chính quyền xã Ngọc Lâm nói chung và Hội LHPN xã nói riêng đã xem đây là "lời cảnh báo" nghiêm trọng và lãnh đạo địa phương đã quyết tâm phải nâng cao nhận thức cho toàn thể người dân, để không còn ai là nạn nhân của những trò lừa đảo trực tuyến.
Bà Lô Thị Hiền – PCT UBND xã Ngọc Lâm cho biết: Với 1400 hộ dân, hơn 6000 nhân khẩu, trên địa bàn xã Ngọc Lâm có đến 98% là đồng bào dân tộc Thái. "Từng xuất hiện trò lừa đảo chăm sóc sức khỏe để bán sản phẩm, trúng giải thưởng… Nhiều cá nhân, đơn vị cũng đến tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng nhưng lãnh đạo địa phương đã kịp thời phát hiện, giám sát và ngăn chặn khi có dấu hiệu lừa đảo", bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, xã thường xuyên tổ chức phối hợp để thăm khám sức khỏe cho người dân, tập huấn về các mô hình sản xuất, chăn nuôi… Tại đó, sẽ lồng ghép để tuyên truyền cho người dân về chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyên truyền cho người dân về an toàn trên không gian mạng. Nhờ được nâng cao nhận thức nên 2 năm qua trên địa phương mới chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất là bà H. bị lừa.

Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình được tổ chức tại xã Ngọc Lâm
Về phía Hội LHPN xã Ngọc Lâm, bà Lô Thị Thuận cho hay, Hội phụ nữ cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về sử dụng mạng an toàn, phòng chống lừa đảo trên mạng cho chị em phụ nữ trong các cuộc sinh hoạt chi hội, vào dịp tổ chúc các ngày lễ như mồng 8/3, 20/10.
"Nhóm phụ nữ được Hội ưu tiên trong công tác tuyên truyền về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng là các tiểu thương buôn bán các mặt hàng tạp hóa, hàng hóa lẻ… Đây là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội và rất dễ mắc bẫy trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hiện nay", bà Thuận chia sẻ.
Cũng theo bà Thuận, Hội LHPN đã liệt kê về những chiêu trò lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: Gọi đến báo trúng thưởng, ấn like 1 trang nào đó và được tiền, sau bắt phải nộp thêm để chơi trúng thưởng, thông báo đóng tiện điện, giả danh Công an đe dọa… Khi có thông tin hội viên hoặc người dân bị gọi điện, nhắn tin có dấu hiệu lừa đảo, Hội phụ nữ sẽ phối hợp với Công an xã đến trực tiếp giải thích để hội viên và nhân dân không bị cuốn vào trò lừa đảo trên mạng.
"Để triển khai các nội dung, chương trình tuyên truyền đạt hiệu quả, Hội LHPN xã cùng các đoàn thể đã cùng lúc vào cuộc. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú để nhân dân và hội viên phụ nữ dễ hiểu, dễ nắm bắt về những chiêu trò lừa đảo trên mạng mà phòng tránh. Nhờ được tuyên truyền thường xuyên, liên tục, người dân trên địa bàn được bảo vệ an toàn", bà Thuận vui mừng nói.