pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo sinh kế cho phụ nữ Khmer từ cây lục bình

Chị Sơn Thị Lang (bên trái) giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chất liệu lục bình
Thay đổi tư duy
Hơn 10 năm trước, sau khoá học nghề đan lục bình do Hội LHPN thị trấn Cờ Đỏ kết hợp cùng Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức cho phụ nữ dân tộc Khmer, chị Sơn Thị Lang được "đánh thức" tiềm năng tay nghề.
Trong khi một số chị em khác ngại đi học, cán bộ Hội phải vận động nhiều thì chị Lang lại háo hức tới lớp. Người ta thì được bữa học xen lẫn bữa nghỉ, còn chị Lang thì chăm chỉ, cần mẫn và khéo léo. Các sản phẩm đan lát thủ công từ lục bình do chị Lang thực hiện đều rất đẹp.
Vậy là từ vị thế của 1 học viên, chị Lang được Trung tâm dạy nghề tuyển làm cộng tác viên để đi dạy đan lát lục bình cho các chị em ở nhiều địa phương khác. Không chỉ dạy ở Cần Thơ, mà chị còn đi tới Sóc Trăng, Hậu Giang để dạy nghề.
Đi nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều và thêm các mối quan hệ xã hội, chị Sơn Thị Lang đã tìm được đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ lục bình. Rồi người này người kia chỉ dẫn, chị cùng các chị em khác thành lập Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ vào năm 2019.
Hợp tác xã đã tập hợp được hơn 100 lao động, chủ yếu là người dân tộc Khmer. Nữ giám đốc Sơn Thị Lang cũng vẫn bận rộn nhưng theo một kiểu khác, "vĩ mô" hơn, "quản lý" hơn. Chị nói gia đình đã thoát nghèo nhờ cây lục bình - loại cây mà chị từng thấy phiền trước đây khi phát triển nhanh, lấn lướt loại rau muống mà chị đi hái về để bán mỗi ngày.
Tâm huyết với nghề
Là người hướng dẫn nghề đan lát lục bình cho chị em, Giám đốc Sơn Thị Lang cũng là người giao nguyên liệu lục bình cho cả trăm hộ Khmer thực hiện công việc hoàn tất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Chị Lang tâm huyết với nghề đan lát thủ công, với cây lục bình, nên chị luôn cố gắng mở rộng đầu vào - đầu ra sản phẩm. Phụ nữ Khmer trên địa bàn trước đây thường sống bằng nghề làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh, giờ có công việc ổn định, ai cũng mừng.
Có chị đã đi làm công nhân ở Bình Dương, về quê thấy mẹ và em gái đan lát lục bình, thì rất thích, ở lại không đi nữa để học nghề.
"Cứ dạy xong 1 lớp học nghề đan lát thủ công lục bình là tôi cảm thấy vui lắm. Vì biết rằng, chị em Khmer sẽ có công việc ổn định, có thu nhập tốt hơn, không phải dang nắng dang mưa lao động ngoài trời, ảnh hưởng đến sức khoẻ như trước đây nữa", chị Sơn Thị Lang chia sẻ.
Chị Lê Thị Thuý Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết, chị Sơn Thị Lang là điển hình của người phụ nữ Khmer, cần cù, chịu khó, sáng tạo. Không chỉ giúp cho bản thân, gia đình thoát nghèo, chị Sơn Thị Lang còn mở rộng hoạt động và phát triển kinh doanh của Hợp tác xã, để nhiều chị em phụ nữ Khmer khác thay đổi tư duy, cùng hỗ trợ nhau vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.