Xuất phát điểm từ làm quản lý cho công ty may gia đình tại Hải Phòng, chị Cao Thị Thu Vân (sinh năm 1985) bất ngờ rẽ sang gây dựng thương hiệu áo dài.
Qua quá trình học hỏi, tìm hiểu từ Bắc chí Nam, chị nhận ra rằng muốn thành công phải có sản phẩm khác biệt. Từ đó, chị đã đế nhiều vùng núi xa xôi để tìm nguồn nguyên liệu quý, đặc sắc cho áo dài và các sản phẩm thêu tay thủ công truyền thống. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị còn đau đáu với việc dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều chị em khuyết tật.
Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội, Cao Thị Thu Vân về làm quản lý cho công ty may gia đình tại Hải Phòng. Do thường xuyên phải mặc áo dài đi sự kiện, gặp đối tác, chị Vân đặc biệt yêu thích trang phục này và luôn nhận được sự khen ngợi của người đối diện. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, chị lại phải tìm mua hoặc thuê một bộ áo dài khác. Nhận thấy mình bị phụ thuộc vào các nhà thiết kế, chị nảy ra ý nghĩ mình sẽ tự làm áo dài và tham vọng hơn là mở nhà may áo dài. Năm 2012, chị bắt đầu tìm đến các nghệ nhân tại Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn để học cắt may áo dài và học thêu ở Công ty XQ Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Công việc ở công ty và ở gia đình khá bận nhưng được mẹ và chồng động viên, sẵn sàng hỗ trợ, chị Vân càng quyết tâm làm những điều mình thích. Nhưng để bắt tay vào những công việc mới thật sự khó khăn. Những việc tưởng chừng hết sức đơn giản như vẽ, may, cắt chỉ nhưng đòi hỏi phải ngồi lâu khiến chị bị đau lưng, sức khỏe nhanh chóng có vấn đề. Mỗi khi nhìn những nghệ nhân làm việc với tốc độ chóng mặt nhưng không hề nhầm lẫn càng thúc giục chị phải cố gắng. Chị hiểu rằng muốn có sản phẩm khác biệt thì phải thử thách và kiên nhẫn.
Vốn có các mối quan hệ trong ngành may mặc nên việc tìm nguồn vải, đặt cơ sở may với chị Vân khá dễ dàng. Sau hơn 1 năm học nghề và thử việc tại các cửa hàng của những nghệ nhân uy tín, chị đã về mở cửa hàng đầu tiên tại Hải Phòng với tên gọi An An.
Chị Thu Vân và các mẫu nhí
Sau khi ổn định với 5 thợ chính, trong đó có 2 nghệ nhân từ TP.HCM được chị mời về, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Nhưng để duy trì và phát triển tệp khách hàng thì cần có những sản phẩm độc đáo, đẹp và khác biệt. Vì thế chị Vân lại tiếp tục đi tìm nguồn vải và hướng đến các vùng dân tộc thiểu số.
Tháng nào cũng vậy, chị lại lọ mọ lên các vùng cao để tìm chất liệu mới cho áo dài. Mặc dù xưởng may ở Hải Phòng, nhưng dấu chân chị đã in trên khắp các nẻo đường xa xôi vùng núi phía Bắc. Những chuyến đi cho chị hiểu thêm về văn hóa, về nghề dệt, nhuộm, thêu của đồng bào dân tộc. Đồng thời cho chị tìm được nguồn nguyên liệu quý giá, đặc sắc từ các vùng miền.
Sau một thời gian, các sản phẩm của cơ sở An An ngày càng đa dạng từ áo dài nam nữ, cổ phục cung đình đến túi xách, khăn choàng, khẩu trang vải, trang sức... Sản phẩm khăn thêu, áo dài thêu thủ công truyền thống đạt chứng nhận OCOP của thành phố Hải Phòng.
Hiện nay chị Cao Thị Thu Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Hải Phòng
Bên cạnh áo dài, An An đã và đang phát triển thêm sản phẩm lưu niệm theo tiêu chí hàng thủ công mỹ nghệ phát huy tài nguyên bản địa. Có thể kể đến những chiếc túi sợi đay vẽ tay hình ảnh đặc trưng vùng, miền như hoa phượng, trà cúc (Hải Phòng), rau má (Thanh Hóa), búp chè (Thái Nguyên)... để đựng đồ thường ngày hoặc làm quà, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Ngày nay, người phụ nữ luôn mạnh mẽ kiên cường, vừa làm kinh tế vừa quán xuyến việc gia đình, không sợ khó, không sợ khổ... Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những hoàn cảnh kém may mắn như phụ nữ khuyết tật. Trăn trở với những chị em yếu thế, chị ấp ủ một công việc mà chị em vẫn có thể làm việc và nuôi sống bản thân.
Cao Thị Thu Vân
Năm 2021, chị đi tìm và tuyển được gần 10 chị em khuyết tật theo học việc. Điều đặc biệt là các giáo viên dạy nghề cũng là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cơ sở An An tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ
Khoảng thời gian đầu, chị Vân gặp nhiều khó khăn, từ cách truyền đạt cho học viên khuyết tật cho đến việc tìm giáo viên. Nhờ Hội LHPN Hải Phòng kết nối, chị đã tìm thêm giáo viên và học viên. May mắn là chị Vân được Hội cho mượn một phòng tại trụ sở Hội làm nơi dạy nghề cho người khuyết tật.
Khởi nghiệp với áo dài, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật
Để người khuyết tật làm ra được sản phẩm đã khó nhưng khó hơn nữa là sản phẩm phải bán được, mang lại giá trị kinh tế cho họ. Bởi thế, trong nhiều năm qua, chị Vân luôn trăn trở nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm áo dài và sản phẩm thêu tay.
Chị Thu Vân hướng dẫn thêu cho thợ và học viên khuyết tật
- Nghiên cứu và phân tích kỹ thị trường.
- Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng cả trong và ngoài nước.
- Tìm hiểu xu hướng thị trường về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu, mức giá, màu sắc.
- Có chiến lược kinh doanh, phân tích khách hàng mục tiêu.
- Lựa chọn kênh bán hàng phù hợp.
Sản phẩm Khăn lụa thêu hoa đào và Áo dài thêu hoa sen của chị Vân đạt OCOP 3 sao năm 2024 của UBND thành phố Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Năm 2023, chị Cao Thị Thu Vân đã được Hội LHPN Hải Phòng trao Giải "Sản phẩm tiêu biểu".
Trên con đường đi của mình, chị Vân luôn có sự đồng hành và hỗ trợ của Hội LHPN Hải Phòng. Hội đã giúp chị Vân có cơ hội tham gia nhiều lễ hội, hội chợ để quảng bá thương hiệu của mình cũng như giúp chị em khuyết tật quảng bá sản phẩm với thị trường lớn hơn. Qua thời gian đã có nhiều sản phẩm thêu chất lượng được tiêu thụ, trưng bày và giới thiệu tại nhiều cuộc thi và chương trình lớn của Hội.
Vất vả là vậy nhưng chị Vân và những người thợ thêu vẫn cố gắng truyền nghề cho chị em khuyết tật. Cho đến bây giờ đã có hàng chục học viên khuyết tật tự làm được việc và nuôi sống bản thân. Có những học viên trở thành giáo viên dạy nghề cho lứa học viên mới.
Các mẫu áo dài của chị Thu Vân tham gia nhiều sự kiện lớn
Từ các tác phẩm thêu này đã giúp phụ nữ yếu thế có được thu nhập ổn định và ngày càng phát triển. Chị Vân đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng các sản phẩm thêu như thêu ga gối, thêu khăn tay, khăn choàng cổ. Ngoài đơn hàng trong nước, các đơn hàng từ nước ngoài cũng ngày một nhiều hơn, mang niềm hy vọng cho xưởng thêu.
An Khê (thực hiện)
20/04/2025 17:12