Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động giúp phụ nữ phát triển kinh tế

PV
05/12/2022 - 09:50
Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động giúp phụ nữ phát triển kinh tế

Chị Chu Thị Thanh, thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm, những năm qua, Hội LHPN huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, luôn tích cực vận động hội viên tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.

Nhằm tạo động lực giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng nâng cao quyền năng kinh tế, khuyến khích phụ nữ tham gia các phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ làm kinh tế giỏi"… Qua đó, từng bước hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Câu chuyện của bà Lê Thị Man, thôn Tiên Long, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã tiếp thêm động lực cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương vượt lên chính mình để phát triển kinh tế.

Bà Man sinh năm 1963, người dân tộc Sán Dìu mạnh dạn đầu tư nuôi gà và lợn thương phẩm từ năm 2012. Bà đã dành nhiều thời gian tự tìm tòi, học hỏi, tham khảo kiến thức từ sách, báo, bạn bè và những trang trại nuôi gà hiệu quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi… Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, gia đình bà đã đầu tư chuồng trại đảm bảo các yêu cầu về diện tích, ánh sáng, nhiệt độ, xử lý chất thải, mở rộng chuồng trại.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động giúp phụ nữ phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Man, thôn Tiên Long, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo

Lúc đầu, bà chỉ nuôi vài trăm con sau đó tăng dần. Những lứa gà, lợn đầu tiên được xuất chuồng, lãi không nhiều nhưng đã trở thành nguồn động viên tinh thần để gia đình nỗ lực hơn nữa, tiếp tục mở rộng chăm nuôi.  Sau 10 năm đầu tư thời gian, công sức vào việc nhà nông, hiện gia đình bà Lê Thị Man đã có khoảng 500 con gà, 70 con lợn, 500 con vịt, 9 con lợn nái… Bên cạnh đó, bà còn "lấn sân" sang cả lĩnh vực kinh doanh vận tải.

Với sự kiên trì, không ngại khó khăn vất vả để phát triển kinh kế, gia đình bà Lê Thị Man đã xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi 400 - 500 triệu đồng. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, bà còn tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, chị Chu Thị Thanh, thôn Đồng Quạ cũng là một gương mặt tiêu biểu. Vươn lên từ hai bàn tay trắng, đến nay, ở độ tuổi ngoài 40 đã sở hữu trong tay khối gia sản tiền tỷ, là hình mẫu đáng mơ ước của nhiều chị em trong thôn, trong xã.

Nhớ về những ngày đầu lập nghiệp, chị Thanh cho biết, với chồng chị cũng như nhiều gia đình trẻ khác tại xã, bắt đầu cuộc sống với 2 bàn tay trắng. "Không có vốn nên làm gì cũng khó", chị Thanh chia sẻ. May mắn, vợ chồng chị được bố mẹ cho hơn 2ha đất vườn đồi. Nhận thấy rằng với điều kiện ấy phù hợp với trồng trọt và chăn nuôi, nên 2 vợ chồng đã bàn bạc, quyết định đầu tư trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi lợn.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động giúp phụ nữ phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Chị Chu Thị Thanh, thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Lúc mới bắt tay vào chăn nuôi, thiếu vốn, kinh nghiệm, chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên cây trồng, vật nuôi cho năng suất thấp, hay bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội LHPN xã tổ chức, và được đi thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình đã thành công ở các địa phương khác, chị Chu Thị Thanh đã về bàn với chồng đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi tốt. Với cách làm kinh tế theo hướng tổng hợp và theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình chị đã có gần 100 gốc bưởi, 100 gốc táo, 1 mẫu ớt và 1 đồi nhãn. Với mô hình kinh tế tổng hợp, hàng năm cho gia đình chị thu nhập bình quân đạt khoảng 300 triệu đồng.

Những tấm gương nỗ lực trong phát triển kinh tế như chị Lê Thị Man, chị Chu Thị Thanh là nguồn động viên cho nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Tam Đảo, cố gắng từng ngày phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tiếp sức cho hội viên phụ nữ làm giàu

Nhằm tạo động lực giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Tam Đảo đã chú trọng nâng cao quyền năng kinh tế, khuyến khích phụ nữ tham gia các phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ làm kinh tế giỏi"…

Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động giúp phụ nữ phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Hội LHPN huyện tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho hội viên phụ nữ

Để hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, Hội LHPN huyện đang quản lý hơn 170 tỷ đồng cho hơn 3.000 hội viên vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo; giúp đỡ hơn 1.600 hộ nghèo, trong đó có 126 hộ do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ thoát nghèo. Hội LHPN huyện phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức 8 lớp tập huấn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng; trao hơn 1.500 bếp đun tiết kiệm năng lượng, 1.000 bình lọc nước cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trao sinh kế cho 5 hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Đạo Trù; hỗ trợ hơn 70 triệu đồng xây dựng và sửa chữa 2 nhà "Mái ấm tình thương" cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp", Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm nghiên cứu xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc) tổ chức tập huấn cho 50 chị hội viên, phụ nữ là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2022; chỉ đạo Hội LHPN xã Bồ Lý ra mắt mô hình " Tổ kiên kết trồng na dai" với 18 thành viên tham gia; ra mắt mô hình "Tổ phụ nữ liên kết kinh doanh - dịch vụ" tại thị trấn Tam Đảo.

Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Tam Đảo sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Cụ thể như: tiếp tục vận động hội viên phụ nữ tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện tốt hoạt động vay vốn từ các ngân hàng và các nguồn quỹ Hội; chú trọng xây dựng các mô hình mới do phụ nữ làm chủ, nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất… Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ; góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình an sinh xã hội đã đề ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm