pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạp chí nổi tiếng của Anh lý giải vì sao môi trường giáo dục ở các trường học của Việt Nam rất tốt
Thành tích vượt trội
Mở đầu bài viết, tác giả đã nhắc đến câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Đó là mục tiêu, tôn chỉ mà ngành giáo dục của Việt Nam luôn hướng đến trong việc giáo dục, nuôi dưỡng thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Tác giả bài viết cho rằng học sinh Việt Nam đang được hưởng một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Điều này được thể hiện qua thành tích xuất sắc trong các cuộc thi đánh giá quốc tế về khả năng đọc, làm toán và tư duy khoa học.
Bài viết cũng dẫn ra dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, xét về tổng điểm học tập, sinh viên Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan mà còn ở Anh và Canada, những quốc gia giàu hơn gấp 6 lần.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, điểm số của học sinh không thể hiện rõ mức độ bất bình đẳng phổ biến như những quốc gia khác, xét về giới tính và vùng miền.
Xu hướng, thành tích học tập của một đứa trẻ là kết quả của nhiều yếu tố, bắt đầu từ gia đình với cha mẹ và môi trường mà chúng lớn lên. Nhưng điều đó không đủ để giải thích thành tích xuất sắc mà học sinh Việt Nam đạt được. Bí mật của sự khác biệt nằm ở những lớp học: những đứa trẻ học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
Trong một nghiên cứu vào năm 2020, ông Abhijeet Singh, làm việc tại Trường Kinh tế Stockholm đã thực hiện nghiên cứu dữ liệu từ các bài kiểm tra giống hệt nhau do học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam - các quốc gia đối tác của OECD - cùng thực hiện. Kết quả là học sinh ở các trường học của Việt Nam đạt năng suất cao hơn.
Ông nhận thấy trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5 đến 8 vượt trội hơn hẳn. Mỗi năm học ở Việt Nam giúp trẻ tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản lên 21 điểm %; trong khi ở Ấn Độ, mức tăng là 6 điểm %.
Chất lượng giáo viên
Theo tác giả bài viết trên tạp chí kinh tế nổi tiếng của Anh, không giống như ở các nước đang phát triển khác, trường học của Việt Nam đã được cải thiện theo thời gian.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, đã phát hiện ra rằng ở 56 trong số 87 quốc gia đang phát triển, chất lượng giáo dục đã giảm sút kể từ những năm 1960. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đi ngược lại xu hướng này.
Lý do lớn nhất chính là ở chất lượng giáo viên. Không nhất thiết là giáo viên phải có trình độ tốt hơn mà chỉ đơn giản là mức độ hiệu quả trong giảng dạy.
Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam cho rằng phần lớn sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán là do chất lượng giảng dạy.
Giáo viên Việt Nam làm tốt công việc của họ vì họ được quản lý tốt. Họ được đào tạo thường xuyên và được tự do sáng tạo để bài giảng trở nên hấp dẫn hơn. Những giáo viên được cử đến vùng sâu vùng xa giảng dạy được ưu tiên, đãi ngộ nhiều hơn. Quan trọng hơn cả, việc đánh giá chất lượng giáo viên dựa trên kết quả học tập của học sinh. Nói đơn giản, cô giỏi sẽ có trò xuất sắc.
Một trong những lý do khác mà tác giả đưa ra để giải thích chất lượng của giáo dục Việt Nam, là sự quan tâm của nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục. Các địa phương cấp tỉnh được yêu cầu dành ít nhất 20% ngân sách cho giáo dục, từ đó tác động tích cực đến sự bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền.
Việc Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành sự quan tâm sâu sắc, không ngừng như vậy cũng đảm bảo rằng các chính sách được điều chỉnh liên tục để giáo viên cập nhật chương trình giảng dạy và tiêu chuẩn giảng dạy.
Tạp chí này cũng dẫn lời ông Ngô Quang Vinh, một lãnh đạo tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), gợi ý rằng các gia đình Việt Nam - vốn đã thấm nhuần tư tưởng Nho giáo - luôn coi trọng giáo dục. Ông nói rằng, thậm chí các bậc cha mẹ không có điều kiện khá giả nhưng sẵn sàng chỉ tiền ra để cho con học thêm. Ở các thành phố, người ta tìm đến những giáo viên giỏi có tiếng để cho con em theo học.
Tất cả các yếu tố tổng hòa lại giúp thu được kết quả tích cực. Khi chất lượng giáo dục được cải thiện, nền kinh tế theo đó mà đi lên.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng đang thử thách hệ thống giáo dục Việt Nam, theo đánh giá của ông Phùng Đức Tùng, giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI).
Các công ty ngày càng yêu cầu người lao động phải có kỹ năng tốt hơn, chẳng hạn như quản lý nhóm, điều mà sinh viên Việt Nam chưa được quan tâm đào tạo. Tăng trưởng kinh tế kéo theo đông đảo người dân chuyển đến các thành phố, làm quá tải các trường học đô thị.
“Để đảm bảo Việt Nam là quốc gia có nền giáo dục chất lượng, chính phủ sẽ phải giải quyết những vấn đề tồn đọng”, tác giả bài viết kết luận.