pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tật khúc xạ là gì? Những điều cần biết về tật khúc xạ
1. Tật khúc xạ là gì?
Tật khúc xạ là một rối loạn mắt rất phổ biến, xảy ra khi mắt không thể tập trung rõ ràng các hình ảnh từ thế giới bên ngoài. Điều này là do mắt không có kích thước và hình dạng đúng, do đó ánh sáng không hội tụ đúng trên võng mạc. Hệ quả của các tật khúc xạ là mờ tầm nhìn, đôi khi làm thị lực suy yếu. Người có tật khúc xạ cần phải đeo kính gọng hoặc kính tiếp xúc để có thể nhìn rõ và dễ chịu.
Tuy rằng không thể ngăn ngừa các tật khúc xạ, nhưng có thể chẩn đoán bệnh bằng việc khám mắt và điều trị bằng kính chỉnh hình, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Nếu điều trị đúng thời gian và đúng với các chuyên gia chăm sóc mắt, bệnh sẽ không cản trở chức năng thị giác tốt của người bệnh.
2. Phân loại tật khúc xạ
- Cận thị:
Mắt cận thị là mắt có độ hội tụ ngắn hơn với chiều dài của mắt, vì thế các tia sáng song song vào mắt sẽ hội tụ trước võng mạc. Hay nói cách khác, mắt cận thị có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại không nhìn rõ các vật ở xa.
- Viễn thị:
Mắt viễn thị có trục trước sau ngắn hơn bình thường, khiến các tia sáng hội tụ ở sau võng mạc, ảnh hiện lên trên võng mạc không rõ nét. Mắt viễn thị không thể nhìn rõ các vật ở gần.
Để cố gắng nhìn rõ, mắt luôn phải điều tiết để đưa ảnh rơi trên võng mạc. Do điều tiết liên tục, những người bị viễn thị thường xuyêb bị mệt mỏi, gây đau đầu, nhức mắt và hay chảy nước mắt.
- Loạn thị:
Loạn thị là một tật về mắt liên quan đến khúc xạ. Ở mắt bình thường, các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng ở mắt loạn thị, các tia hình ảnh lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ.
3. Nguyên nhân gây ra tật khúc xạ
Muốn hiểu rõ tật khúc xạ mắt có nguy hiểm không, người bệnh cần hiểu rõ những nguyên nhân phổ biến gây ra tật khúc xạ là gì? Các nguyên nhân gây ra tật khúc xạ bao gồm:
- Để mắt làm việc quá nhiều: Việc tập trung nhìn gần trong khoảng thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính.
- Thói quen sinh hoạt không đúng cách: Do tư thế ngồi học không đúng cách, học tập và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng… là những thói quen gây tật khúc xạ.
- Tiếp xúc quá nhiều nguồn sáng nhân tạo: Chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ giảm thị lực 90%.
- Ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử mang năng lượng cao, tác động sâu vào đáy mắt gây tổn thương võng mạc, bên cạnh đó còn làm cho mắt bị áp lực khiến mắt mệt mỏi.
Những ai thường mắc phải tật khúc xạ?
Ước tính có 153 triệu người trên toàn thế giới bị suy yếu thị lực do mắc các bệnh về tật khúc xạ không được điều chỉnh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở bất kì lứa tuổi nào.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tật khúc xạ là gì?
Bạn có thể có nguy cơ cao đối với tình trạng này nếu đang có những điều kiện sau:
- Di truyền học. Bệnh về mắt có thể có trong các rối loạn di truyền kết hợp như: hội chứng Knobloch, hội chứng Marfan và hội chứng Stickler;
- Môi trường. Trong các nghiên cứu về khuynh hướng di truyền của sai số tật khúc xạ, có một mối tương quan giữa các yếu tố môi trường và nguy cơ phát triển cận thị.
4. Dấu hiệu, triệu chứng của tật khúc xạ
Biểu hiện của tật khúc xạ khá phức tạp, tùy thuộc vào từng loại tật. Tuy nhiên, mờ mắt là biểu hiện phổ biến nhất. Một số dấu hiệu và triệu chứng thượng gặp khác như:
- Không nhìn rõ các vật ở xa.
- Hay nheo mắt lại hoặc lại gần mới thấy rõ.
- Nhức đầu.
- Mỏi mắt.
- Vùng nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng.
- Nhìn đôi.
5. Phương pháp điều trị
Tật khúc xạ có thể được điều chỉnh bằng một số phương pháp điều trị như đeo kính mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật. Trong đó:
- Đeo kính gọng là cách đơn giản và an toàn nhất để sửa chữa bệnh về tật khúc xạ. Bác sĩ nhãn khoa có thể giúp lựa chọn kính đúng số để điều chỉnh sai số khúc xạ và cho bệnh nhân thị lực tối ưu.
- Đeo kính áp tròng. Trong nhiều trường hợp, kính sát tròng cung cấp tầm nhìn rõ ràng hơn, tầm nhìn rộng hơn và thoải mái hơn. Đây là một lựa chọn an toàn và hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Điều quan trọng là phải rửa tay và vệ sinh thấu kính theo hướng dẫn để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu có một số bệnh về mắt, bạn sẽ không thể đeo kính áp tròng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Phẫu thuật khúc xạ nhằm thay đổi hình dạng của giác mạc vĩnh viễn. Sự thay đổi hình dạng này giúp phục hồi khả năng tập trung của mắt bằng cách cho phép các tia sáng tập trung chính xác vào võng mạc để giúp cải thiện tầm nhìn. Có nhiều loại phẫu thuật khúc xạ. Bác sĩ nhãn khoa có thể giúp bạn quyết định xem loại hình phẫu thuật nào là phù hợp.
6. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân có tật khúc xạ
Thực phẩm tốt cho người có tật khúc xạ là gì là câu hỏi được quan tâm rất nhiều hiện nay. Từ xưa, dân gian đã dựa vào nguồn thực phẩm hằng ngày để giúp mắt sáng khoẻ. Điều đó tạo nên kỳ vọng cho những người bị các tật khúc xạ như cận, loạn, viễn thị...
Nhưng thật ra không có loại thức ăn nào là tốt nhất giúp phòng hay hỗ trợ cải thiện các tật khúc xạ. Người bị tật khúc xạ cần có chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng: tinh bột và đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng. Những thực phẩm tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là lựa chọn tốt cho việc chăm sóc mắt hằng ngày.
Theo đó, thức ăn, chế độ dinh dưỡng giúp đôi mắt khỏe thường là:
- Tinh bột và đường từ khoai lang, mật ong, ngũ cốc,…
- Chất đạm như thịt đà điểu, thịt gà, cá hồi,…
- Chất béo như dầu ô liu, dầu cá,…
- Vitamin và khoáng chất từ cà rốt, cà chua, bắp ngô, các loại rau xanh sẫm màu,…
7. Phương pháp phòng chống tật khúc xạ
Phương pháp phòng chống tật khúc xạ khá đơn giản. Thực chất đây là tật không quá nguy hiểm như các bệnh lý khác nhưng có thể khiến ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Dưới đây là những phương pháp giúp phòng chống tật khúc xạ hiệu quả:
- Chăm sóc đặc biệt cho đôi mắt và đảm bảo nơi làm việc và học tập đầy đủ ánh sáng. Nếu học ban đêm cần phải có ánh sáng phòng và đèn bàn, đèn phải có chụp phản chiếu. Chiếu từ phía sau, chiếu từ phía trên xuống, nghịch với bên tay thuận của người làm việc.
- Kích thước của bàn, ghế phải phù hợp với chiều cao của từng người. Ngồi học đúng tư thế, không được cuối đầu gầm mặt, nghiêng đầu, áp má bên bàn học, luôn để mắt xa sách vở với khoảng cách thích hợp (tối đa khoảng 35cm).
- Nên giảm mọi căng thẳng của mắt. Không sử dụng mắt làm việc quá lâu, hạn chế thời gian xem ti vi, chơi games, nhìn máy vi tính. Không đọc sách có chữ quá nhỏ hay mờ, có hình ảnh lem nhem.
- Cứ mỗi 20 phút làm việc và học tập nghỉ ngơi khoảng 3-5 phút. Không xem tivi ở khoảng cách gần, tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp lên màn hình. Nếu có tật khúc xạ thì nên đeo kính khi xem tivi.
- Nên có chế độ ăn uống hợp lý, trong thức ăn cần có đủ tinh bột, đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
Để chăm sóc tốt cho mắt khi có dấu hiệu lạ về mắt như nhìn thấy mờ hơn hoặc mỏi mắt nên đi khám tại các bệnh viện mắt chuyên khoa để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.
8. Những câu hỏi thường gặp
Những thói quen giúp hạn chế diễn tiến của tật khúc xạ là gì?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Kiểm tra mắt thường xuyên; Kiểm soát các bệnh sức khỏe mạn tính. Một số bệnh như tiểu đường và huyết áp cao, có thể ảnh hưởng đến thị lực nếu không điều trị đúng cách.
- Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời. Nên mang kính râm ngăn chặn ánh tia cực tím (UV);
- Ngăn ngừa thương tích mắt.
- Chế độ an uống lành mạnh. Cố gắng ăn nhiều hoa quả, rau lá xanh và các loại rau có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa cũng như vitamin A và beta carotene.
- Sử dụng kính đúng độ. Dùng kính đúng độ sẽ tối ưu tầm nhìn và nên kiểm tra mắt thường xuyên để đảm bảo đeo kính đúng độ.
Tật khúc xạ học đường là gì?
Tật khúc xạ học đường thường xuất hiện ở lứa tuổi đi học, trong đó có 80% cận thị, nhiều nhất từ 11 đến 15 tuổi. Tật khúc xạ học đường có xu hướng phát triển tăng dần cho đến năm 18 – 20 tuổi thì dừng lại. Xuất hiện càng sớm và càng nặng thì độ mắt tăng càng nhiều.
Bao giờ cần đeo kính?
Tùy thuốc vào loại và mức độ của tật khúc xạ mà bác sĩ sẽ tư vấn thời điểm đeo kính phù hợp
- Cận thị: theo nguyên tắc, bệnh nhân cần đeo kính khi nhìn mờ. Cận thị bé hơn 1D có thể không cần đeo, cận thị từ 1 đến 3D có thể chỉ đeo kính khi nhìn xa, cận thị lớn hơn 3D nên đeo kính liên tục.
- Viễn thị, loạn thị gây nhìn mờ cả xa - gần và có thể gây nhược thị nên cần đeo kính sớm hơn và đeo thường xuyên. Đặc biệt khi các bệnh nhân có độ viễn thị lớn hơn 3 và loạn thị lớn hơn 2D.
Khi bị cận thị, đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính, do vậy không nên đeo kính đúng hay sai?
Nhiều người có quan điểm sai lầm này. Người bị cận thị mắt nhìn kém, cần đeo kính để tăng chức năng thị giác, tăng chất lượng cuộc sống. Không đeo kính sẽ làm chức năng thị giác kém phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ làm rối loạn phát triển thị giác hai mắt.
Nhược thị là gì?
Nhược thị là tình trạng mắt không bệnh lí mà thị lực không đạt tối đa khi đã đeo kính đủ số. thường do:
– Tật khúc xạ cao như viễn thị > 6.00, loạn thị > 3.00, cận thị > 6.00.
– Lệch khúc xạ: 2 mắt cận thị chênh nhau 3.00, viễn thị chênh 2.00, loạn thị chênh quá 1.00 thì thường gặp nhược thị ở mắt tật khúc xạ cao.
– Lác mắt
– Đục thủy tinh thể bẩm sinh
Việc điều trị càng sớm càng tốt đặc biệt ở bệnh nhân nhược thị 1 mắt. Nhược thị thường khỏi nhanh ở trẻ trước 7 tuổi, sau 12 tuổi gần như không còn khả năng phục hồi.