pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tất tần tật những điều cần biết về phẫu thuật cận thị
Mặc dù phẫu thuật cận thị đã trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng những người có nhu cầu cải thiện mắt cận, nhưng không phải ai cũng hiểu được khi nào cần phẫu thuật, ưu nhược điểm của các phương pháp mổ cận là gì? Có biến chứng không?,...
- 1. Cận thị là gì? Những phương pháp điều trị cận thị hiện nay
- 2. Phẫu thuật cận thị là gì và có thể chữa khỏi cận thị được hay không?
- 3. Khi nào nên phẫu thuật cận thị?
- 4. Phẫu thuật cận thị có đau không, có gây biến chứng gì không?
- 5. Các phương pháp phẫu thuật cận thị thường sử dụng hiện nay và ưu nhươ
- 6. Có thể bị cận lại sau khi đã phẫu thuật cận thị hay không?
- 7. Cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị
1. Cận thị là gì? Những phương pháp điều trị cận thị hiện nay
Cận thị là tật khúc xạ có tỷ lệ mắc phổ biến nhất hiện nay. Cơ chế gây nên cận thị là do ảnh của vật được tạo nên khi khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể rơi ở phía trước võng mạc, do đó khiến người bệnh không thể nhìn rõ các vật ở xa mà chỉ có thể nhìn được các vật ở gần.
Khi mắc cận thị, người bệnh thường biểu hiện bằng các biểu hiện rất đặc trưng như nhìn mờ các vật ở xa, mỏi mắt hoặc phải nheo mắt khi nhìn xa, đau đầu khi cố gắng điều tiết mắt để nhìn rõ vật,...
Dựa trên nguyên nhân hình thành và một số các đặc điểm khởi phát, biểu hiện,... mà người ta chia cận thị thành các dạng khác nhau bao gồm cận thị thứ phát, cận thị đơn thuần, cận thị do lão hóa và giả cận thị. Bạn có thể tìm hiểu Chi tiết cách phân loại cận thị trong bài viết này.
Chính vì khiến người bệnh không thể nhìn rõ những vật ở xa, nên cận thị mặc dù không phải là vấn đề sức khỏe nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân nhưng lại thường gây rất nhiều phiền toái và làm ảnh hưởng đến chất lượng sống rất nghiêm trọng. Do đó, điều trị cận thị luôn là vấn đề rất được quan tâm.
Nếu như trước kia, khi mắc cận thị thì người bệnh chủ yếu chỉ có thể đeo kính cận để cải thiện thị lực thì ngày nay với sự tiến bộ của y học, khoa học kỹ thuật,... đã có nhiều hơn các phương pháp mới điều trị cận thị được áp dụng chẳng hạn như phẫu thuật, sử dụng các loại thuốc, tạo hình giác mạc tạm thời, đặt kính nội nhãn,...
2. Phẫu thuật cận thị là gì và có thể chữa khỏi cận thị được hay không?
Trong các phương pháp mới được áp dụng để điều trị cận thị thì phẫu thuật là một trong các phương pháp được quan tâm hàng đầu.
Vậy phẫu thuật cận thị diễn ra như thế nào?
Phẫu thuật cận thị thực chất là một quá trình mà bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để điều chỉnh lại bề dày giác mạc của bệnh nhân. Từ đó thay đổi khả năng khúc xạ của giác mạc khiến cho hình ảnh của vật tạo nên khi khúc xạ qua giác mạc sẽ rơi vào võng mạc và đem lại khả năng nhìn bình thường cho người bệnh.
Do phẫu thuật cận thị giúp điều chỉnh, tác động trực tiếp lên giác mạc làm ảnh rơi đúng võng mạc của người bệnh nên trong hầu hết các trường hợp bệnh nhân đều sẽ có khả năng lấy lại được thị lực bằng hoặc tiệm cận với mức thị lực trước cận. Có nghĩa là cận thị có thể được chữa khỏi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, cũng có một số ít các trường hợp đặc biệt mà kể cả khi bệnh nhân đã được phẫu thuật cận thị thì vấn đề thị lực cũng chỉ có thể được cải thiện một phần như người bị cận quá nặng, người có giác mạc mỏng,... Đối với các trường hợp này thì người bệnh sẽ cần phải sử dụng thêm kính hoặc các phương pháp khác để giải quyết vấn đề cận thị còn lại sau phẫu thuật.
Bạn có thể lấy thêm thông tin tại: Có thể tái cận sau mổ cận thị được không? Làm cách nào để hạn chế?
3. Khi nào nên phẫu thuật cận thị?
Mặc dù bình thường có thể chúng ta vẫn thường hay nghe thấy rằng cận thị chỉ phẫu thuật được khi cận từ 4 độ trở lên. Tuy nhiên trên thực tế thì hoàn toàn không có một mốc cụ thể nào được đưa ra để xác định thời điểm phẫu thuật cận thị cho bệnh nhân.
Việc quyết định thời gian thực hiện phẫu thuật cận thị cần phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải chỉ đơn thuần dựa vào mức độ nặng của cận thị.
Các yếu tố điều kiện cần thỏa mãn để có thể phẫu thuật cận thị bao gồm:
- Cận thị đã đạt mức độ tiến triển ổn định, tăng độ không quá 0,75 độ/ năm.
- Cận thị có mức độ nặng từ 1-20 độ, tốt nhất nên phẫu thuật khi mà cận dưới 10 độ vì cận càng nặng sẽ càng cần phải lấy đi nhiều mô trên giác mạc và khiến giác mạc càng mỏng manh hơn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cận rất nhẹ nhưng có yêu cầu bắt buộc về thị lực thì vẫn có thể được phẫu thuật theo nguyện vọng.
- Không mắc các bệnh lý cấp tính về mắt.
- Đang không mang thai hoặc đang cho con bú.
- Không có các bệnh lý mãn tính toàn thân (tăng huyết áp, đái tháo đường,...). Nếu có mà vẫn muốn phẫu thuật cận thị thì các bệnh lý này cần phải được kiểm soát tốt trước đó.
- Bệnh nhân trong độ tuổi thích hợp từ 18 đến 45 tuổi.
4. Phẫu thuật cận thị có đau không, có gây biến chứng gì không?
Nhiều bệnh nhân cảm thấy rất lo lắng, cho rằng phẫu thuật cận thị là một phẫu thuật rất đau đớn. Nhưng về cơ bản thì người bệnh hoàn toàn có thể bỏ qua nỗi lo trên. Bởi trước khi thực hiện phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ được cho sử dụng các loại thuốc gây tê nhỏ mắt, do đó trong quá trình phẫu sẽ không hề cảm thấy đau đớn. Hơn nữa tốc độ của một ca phẫu thuật cận thị thường diễn ra rất nhanh nên người bệnh cũng không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Và bệnh nhân cũng có thể yên tâm bởi hiện nay nhờ có sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến mà phẫu thuật cận thị đã trở nên rất an toàn, hiếm khi xảy ra các biến chứng nặng nề sau mổ. Nếu các biến chứng có xảy ra thì hầu hết cũng đều là các biến chứng nhẹ và thường có thể khắc phục tương đối dễ dàng.
Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật cận thị:
- Khô mắt: Khô mắt là biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật cận thị. Các tổn thương do cuộc phẫu thuật tạo nên có thể làm giảm sự bài tiết nước mắt của mắt, và vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn ở những người bệnh đã bị khô mắt trước đó. Tuy nhiên, nó có thể được giải quyết bằng việc sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc các dung dịch nhỏ mắt chuyên dụng.
- Chói mắt, nhìn sáng: Giác mạc bị làm mỏng đi do phẫu thuật có thể khiến ánh sáng đi qua dễ dàng hơn và gây chói mắt, nhìn sáng cho người bệnh.
- Nhìn đôi hoặc loạn thị: Nhìn đôi hoặc loạn thị có thể gây nên bởi sự làm mỏng giác mạc không đều khiến cho các ánh sáng đi qua các vùng có có khả năng khúc xạ khác nhau, tạo nên nhiều ảnh cùng lúc. Các vấn đề này thường sẽ cần phải khắc phục bằng đeo kính hoặc cần đến một cuộc phẫu thuật khác được diễn ra để sửa chữa giác mạc.
- Chậm hồi phục: Việc giác mạc bị làm mỏng đi quá mức, hoặc vết mổ quá rộng sẽ khiến cho vấn đề bình phục khó khăn hơn và có thể gây nên tình trạng chậm hồi phục ở bệnh nhân.
- Xô lệch vạt giác mạc: Các vạt giác mạc hình thành trong phẫu thuật cận thị có thể bị di lệch khi cố định không tốt hoặc bị tác động lực quá lớn, chấn thương sau khi phẫu thuật.
Ngoài ra, phẫu thuật cận thị còn có thể gây nên một số các biến chứng khác như giảm thị lực, hoặc mất thị lực,... Tuy nhiên, đây đều là những biến chứng rất hi hữu và rất hiếm xảy ra trên thực tế.
5. Các phương pháp phẫu thuật cận thị thường sử dụng hiện nay và ưu nhược điểm
5.1. Phẫu thuật cận thị bằng phương pháp Lasik
Phương pháp phẫu thuật cận thị Lasik là phương pháp phẫu thuật cận thị được sử dụng phổ biến hàng đầu trên thế giới hiện nay nhờ vào hiệu quả tốt và kỹ thuật không quá mức phức tạp.
Quá trình phẫu thuật sẽ được khởi đầu với một đường rạch dài khoảng 20mm quanh rìa giác mạc bằng một dao vi phẫu. Sau đó, vạt giác mạc được tạo nên bởi đường rạch trước đó sẽ được lật lên và chiếu tia Laser. Các chùm tia Laser được chiếu sẽ làm mỏng giác mạc một cách chính xác nhờ số liệu đã được phân tích dựa trên bản đồ giác mạc của bệnh nhân. Sau khi giác mạc đã được làm mỏng như mong muốn thì nó sẽ được đưa về vị trí ban đầu và cố định lại.
Nhưng do đường rạch tạo vạt giác mạc vẫn diễn ra bằng dao vi phẫu nên phương pháp này có nhược điểm là phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ thuật của phẫu thuật viên.
5.2. Phương pháp Femto Lasik
Phương pháp Femto Lasik được xem là sự cải tiến của phương pháp Lasik truyền thống, giúp cải thiện được các nhược điểm so với phương pháp ban đầu.
Ở phương pháp phẫu thuật cận thị Femto Lasik thì bác sĩ phẫu thuật thay vì tạo vạt giác mạc bằng dao vi phẫu thì sẽ sử dụng dao Laser. Điều này giúp cho đường mổ tạo vạt chính xác một cách tuyệt đối và không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật, giúp đảm bảo an toàn hơn cho bệnh nhân. Sau khi đã tạo vạt giác mạc bằng dao Laser thành công thì các bước tiếp theo của phẫu thuật sẽ diễn ra tương tự với phương pháp Lasik truyền thống.
5.3. Phương pháp Relex Smile
Trong các phương pháp mổ cận thị thường được áp dụng nhất ở nước ta hiện nay thì phương pháp Relex Smile là phương pháp hiện đại hàng đầu.
Bệnh nhân phẫu thuật cận thị bằng phương pháp này sẽ không cần phải tạo vạt giác mạc, mà các chùm tia Laser sẽ được chiếu và phá hủy một lớp nằm ngay giữa giác mạc. Sau đó một đường rạch rất nhỏ chỉ khoảng 2mm được tạo nên để giúp lấy các mô giác mạc đã bị phá hủy ra ngoài.
Nhờ ưu điểm không phải tạo vạt giác mạc nên người bệnh thường bình phục nhanh hơn hẳn so với việc phẫu thuật cận thị bằng phương pháp Lasik hay Femto Lasik. Đồng thời nó cũng hạn chế được các biến chứng liên quan đến tạo vạt giác mạc gây nên.
5.4. Các phương pháp phẫu thuật cận thị khác
Ngoài các phương pháp phẫu thuật cận thị kể trên thì cũng có nhưng phương pháp phẫu thuật cận thị khác chẳng hạn như Tran PRK, hoặc SmartSurf ACE. Đây là những phương pháp phẫu thuật cận thị rất mới, tác động bằng cách sử dụng các chùm Laser tác động trực tiếp lên bề mặt giác mạc.
Tuy nhiên do kỹ thuật mới và giá thành cao nên những phương pháp này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta hiện nay.
6. Có thể bị cận lại sau khi đã phẫu thuật cận thị hay không?
Mặc dù phẫu thuật cận thị thường có thời gian hiệu quả sau phẫu thuật kéo dài rất lâu, mắt bệnh nhân đạt được trạng thái thị lực gần như bình thường. Tuy nhiên, nếu không có chế độ chăm sóc, sinh hoạt thích hợp thì tái cận sau phẫu thuật là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Và đối với việc bệnh nhân bị tái cận trở lại sau phẫu thuật thì việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ trở nên hạn chế hơn rất nhiều so với bị cận thị đầu tiên. Do giác mạc của bệnh nhân đã bị mỏng đi đáng kể sau phẫu thuật, nên có thể sẽ rất khó hoặc không thể đưa ra chỉ định phẫu thuật cận thị thêm một lần nữa.
Thay vào đó bệnh nhân chỉ có thể sử dụng các phương pháp điều trị không xâm lấn như đeo kính,... và phải chấp nhận chung sống suốt đời với cận thị.
7. Cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị
Do phẫu thuật cận thị là một điều trị xâm lấn, vì thế vấn đề chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật có vai trò hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của bệnh nhân.
Các lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị bao gồm:
- Đeo kính bảo hộ ngay sau khi phẫu thuật. Trong ba ngày đầu sau phẫu thuật nên đeo kính 24/24h để tránh bụi bẩn vào mắt. Những ngày sau đó có thể giảm thời gian đeo kính xuống và chỉ cần đeo kính khi bệnh nhân còn thức.
- Tuyệt đối không để xà phòng, hóa chất dính vào mắt. Trong ngày đầu sau phẫu thuật bệnh nhân có thể tắm nhưng chỉ nên tắm từ cổ trở xuống và không nên gội đầu cũng như không dùng các loại sữa rửa mặt.
- Tránh các hoạt động mạnh có nguy cơ cao gây chấn thương cho mắt như võ thuật, đá bóng, bóng chuyền,...
- Để mắt làm việc và nghỉ ngơi với chế độ hợp lý. Cường độ sử dụng mắt nên tăng dần theo thời gian sau phẫu thuật. Những ngày đầu nên để mắt được nghỉ ngơi, hạn chế đến mức tối đa sử dụng điện thoại, máy tính, sách báo,... Mỗi 20 phút làm việc liên tục thì nên cho mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây rồi quay trở lại làm việc tiếp.
- Nên tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C,... Hạn chế dùng các thực phẩm cay, nóng hoặc có tính kích thích như rượu, bia,...
Gợi ý Nhóm thực phẩm giàu vitamin A và vitamin C có thể xem trong nghiên cứu này.
- Không trang điểm quá sớm sau khi phẫu thuật. Đối với phẫu thuật bằng phương pháp Smile thì có thể trang điểm lại sau 1 tuần, còn đối với phẫu thuật Lasik thì nên trang điểm lại sau 1 tháng.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và thực hiện tái khám đúng hẹn.
Trên đây là các thông tin giới thiệu sơ lược về phẫu thuật cận thị mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần nắm rõ. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn chính xác, đầy đủ nhất.