Tay nghề may Kimono của thợ Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản

21/07/2019 - 19:46
Ông Shigehisa Yoshida, Chủ tịch HĐQT công ty Nihonwasou Holdings,Inc - một trong những công ty may Kimono hàng đầu ở Nhật Bản và có chi nhánh tại Việt Nam từ 7 năm nay cho rằng, tay nghề may Kimono của người thợ Việt Nam đã vượt qua so với tay nghề của người Nhật Bản, cả tốc độc lẫn sự khéo léo, chất lượng cũng đẹp hơn.
Đây là thông tin được ông Shigehisa Yoshida chia sẻ tại cuộc thi “Wasai NTC Cup lần 2” dành cho các thợ may Kimono trên toàn quốc được công ty này tổ chức vào ngày 21/7 tại TP.HCM. Nội dung thi là các kỹ thuật may Kimono như đường may đẹp, độ chính xác, lên áo đẹp của các loại áo Kimono và các kỹ thuật được chuyển gia Nhật Bản chuyển giao.
 
 
Ngành may Kimono bắt đầu tại Việt Nam hơn 30  năm trước, hầu hết thợ may là phụ nữ. Một thợ may Kimono có năng khiếu sẽ mất khoảng 1 tuần để học cách cầm kim và mất khoảng 2 năm để học được cách may một loại áo Kimono hoàn cảnh. Áo Kimono truyền thống sẽ được may hoàn toàn bằng tay. Một thợ may Kimono là nghệ nhân và mỗi chiếc áo Kimono được may ra là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất.
 
 
Một chiếc áo Kimono có giá từ 20-100 triệu đồng, có những áo đặc biệt có thể lên đến 1 tỉ đồng. Những thợ may Kimono được lĩnh lương theo sản phẩm. Thu nhập của các thợ may từ khoảng 7-15 triệu đồng/tháng, tùy vào thời gian và năng lực của mỗi người.
 
 
img20190721095944.jpg
Hầu hết các thợ may Kimono tại Việt Nam đều là phụ nữ.

 

 
Các thợ may Kimono nhiều kinh nghiệm của Việt Nam cho biết, việc may áo Kimono phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo, sạch đẹp, không được để lại một vết dơ nào trên áo. Thợ may Kimono không được đeo nhiều trang sức, vì đeo trang sức dễ làm xước vải khi may và khi rửa tay nước đọng trong trang sức, nếu lau không kỹ sẽ dính lên áo khiến áo có vết lỗi dơ. Ngoài ra, thợ may còn không được trang điểm, làm móng tay, tóc phải buộc gọn để không có bất kỳ vết bẩn nào dính lên áo trong quá trình may.
 
 
Ông Shigehisa Yoshida, Chủ tịch HĐQT công ty Nihonwasou Holdings,Inc  cho biết, khoảng hơn 30 năm trước, người Nhật Bản mới bắt đầu đưa nghề may Kimono sang Việt Nam, đào tạo cho những người thợ may Kimono tại Việt Nam. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì tay nghề may Kimono của người Việt Nam đã vượt qua so với tay nghề của người Nhật Bản, cả tốc độc lẫn sự khéo léo, chất lượng cũng đẹp hơn.
 
 
img20190721100152.jpg
Thu nhập của các thợ may từ khoảng 7-15 triệu đồng/tháng, tùy vào thời gian và năng lực của mỗi người.

 

 
Ông Shigehisa Yoshida lý giải, Kimono được may bằng tay, yêu cầu tính tỉ mỉ rất cao. Thế nhưng dân số Nhật Bản ngày càng già, những người may Kinomo ít đi. Trong khi đó, Việt Nam có dân số trẻ, rất phù hợp để tiếp cận với với công việc này. Bên cạnh đó, hiện tại thì giá nhân công may Kimono ở Việt Nam cũng cao nhưng so với Nhật Bản thì vẫn thu hút được các nhà đầu tư. Ngoài ra, giá thuê mặt bằng cạnh tranh cũng là lợi thế để nghề may Kimono phát triển ở Việt Nam.
 
 
“Khi mang nghề may Kimono đến Việt Nam, chúng tôi muốn duy trì kỹ thuật may Kimono, không để cho nghề này mai một, tạo ra thu nhập cho người lao động Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT công ty Nihonwasou Holdings,Inc nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm