Tây Nguyên ráo riết chặn đứng dịch bạch hầu

Gia Hân
09/07/2020 - 11:45
Tây Nguyên ráo riết chặn đứng dịch bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong. Trước tình hình dịch bệnh trên đang diễn biến phức tạp, các ban ngành các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng vào cuộc và đang “căng mình” chống dịch đến từng thôn làng ngõ xóm.

Quyết liệt chống dịch

3 ngày sau khi ổ dịch xuất hiện, chúng tôi đã tìm về xã Hải Yang để ghi nhận tình hình. Ngay từ đầu xã, chốt kiểm dịch được ngành y tế phối hợp với chính quyền lập nên để kiểm soát, phun thuốc tiêu trùng, khử độc.

Tây Nguyên ráo riết chặn đứng dịch bạch hầu  - Ảnh 1.

Người dân được phát thuốc về uống để phòng, chống bạch hầu.

Tại đây, tổ công tác kiểm dịch luôn túc trực 24/24h, kiểm soát người dân ra, vào vùng  dịch. Những người cung cấp nhu yếu phẩm trước khi vào vùng dịch sẽ được kiểm tra, phun thuốc khử trùng và nhắc nhở đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Tương tự, nhiều người không có lí do đặc biệt sẽ không được cho vào nhằm phòng, chống dịch bệnh lây lan. Các em học sinh trong làng được nghỉ học 1 tuần để phòng, chống dịch bệnh. Điểm trường làng Bông Hiot được trưng dụng để các y bác sĩ thăm khám, phát thuốc cho người dân.

Bà Nhen (SN 1959, làng Bông Hiot) cho hay: “Từ ngày trong làng có trường hợp tử vong do bạch hầu, người dân vô cùng lo lắng. Mình thấy bệnh bạch hầu vô cùng nguy hiểm. Do đó mỗi khi đi ra ngoài, mình đều đeo khẩu trang, về nhà thì rửa tay, vệ sinh sạch sẽ và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Mình và người dân hy vọng rằng dịch bệnh nhanh hết để bà con ổn định cuộc sống. Mỗi ngày, cán bộ xã, lực lượng y tế đều đến nhà mình tuyên truyền cách phòng, chống bệnh và phát thuốc cho người dân. Bên cạnh đó, các nhu yếu phẩm cần thiết cũng được lực lượng chức năng hỗ trợ, mua giúp”.

Tây Nguyên ráo riết chặn đứng dịch bạch hầu  - Ảnh 2.

Người dân được thăm khám, phát thuốc uống để phòng, chống bệnh bạch hầu.

Ông Mai Xuân Hải (Giám đốc Sở Y tế Gia Lai) cho biết: “Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Gia Lai đã gửi công văn đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 100.000 liều vaccine Td (uốn ván, bạch hầu). Ngay sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên gửi khẩn cấp cho tỉnh Gia Lai 5.000 liều vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang - nơi đang diễn ra dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời, ngày 9/7 Bộ Y tế sẽ trực tiếp vào khu vực Tây Nguyên kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại các tỉnh xảy ra dịch bệnh”.

Bạch hầu lan rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên

Hiện khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu, gấp 3 lần so với năm 2019. Trong đó, Đắk Lắk có 1 ca ghi nhận trường hợp dương tính với bạch hầu. Tại Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người. Gia Lai có thêm 6 ca, nâng số ca mắc lên 16 ca. Riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên 23 ca mắc.

Ngoài ra, Tây Nguyên đã có 3 người chết do bạch hầu, 2 người ở Đắk Nông và 1 người ở Gia Lai. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Ba trường hợp qua đời ở Đắk Nông và Gia Lai đều ở vùng sâu, vùng xa.

Tây Nguyên ráo riết chặn đứng dịch bạch hầu  - Ảnh 3.

Ý thức được sự nguy hiểm của bạch hầu, người dân chủ động đưa con đến thăm khám, nhận thuốc uống.

Tại tỉnh Gia Lai, ca đầu tiên bị nhiễm bạch hầu được phát hiện vào ngày 4/7 là bệnh nhân V. (4 tuổi, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai). Do diễn biến bệnh nặng, sau 2 ngày điều trị cháu V. đã tử vong. Tại xã Hải Yang (Đắk Đoa, Gia Lai) các ngành chức trách đã lập bốn chốt kiểm soát dịch chặn các ngả vào làng Bông Biot. Hơn 1.400 người không được ra khỏi khu cách ly. Địa phương này  đã tiến hành phun thuốc khử trùng toàn làng Bông Hiot. Ngoài ra, người dân trong làng đã được điều trị kháng sinh để cắt nguồn lây. Sở Y tế cũng tiến hành điều tra tất cả những người đã đi vào làng trong 1 tuần qua và cho uống thuốc phòng bạch hầu.

Tương tự tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng là tỉnh có số ca dương tính với bạch hầu rất cao, tập trung ở các huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Tính đến nay  đã có 23 dương tính với bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, chưa có ca tử vong. Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum thông tin: “Trên địa bàn hiện có 23 ca dương tính với bạch hầu. Việc tiêm vắc-xin bạch hầu và những loại vắc-xin khác gặp nhiều khó khăn do người dân đồng bào thường đi làm trên rẫy nên phải thực hiện tiêm phòng”.

Tây Nguyên ráo riết chặn đứng dịch bạch hầu  - Ảnh 4.

Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng bạch hầu ở từng nhà dân.

Mới đây, tại cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng chống bệnh bạch hầu, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu toàn ngành cần tập trung hết sức phòng, chống bệnh bạch hầu như đã cố gắng để phòng, chống COVID-19. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm