pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đối tượng nào dễ mắc bệnh bạch hầu nhất?
Hiện nay, bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2020 đến cuối ngày 7/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu, trong đó 3 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Đắk Nông có 25 người trường hợp; tỉnh Gia Lai phát hiện 15 ca; tỉnh Kon Tum là 22 và Đắk Lắk có 1 ca. Hầu hết, các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%.
Cũng theo báo cáo, 3 trường hợp tử vong đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn (có tới 16 năm tại đây không hề có ca bệnh).
Trước tình trạng số ca bệnh bạch hầu tiếp tục gia tăng, dư luận đặt câu hỏi, vậy đối tượng nào dễ mắc bạch hầu.
Theo PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch. Các đối tượng có nguy cơ mắc bạch hầu cao là trẻ em hoặc người lớn không tiêm vaccine; Người sống trong cộng đồng có điều kiện sống thấp. Ngoài ra, người đi du lịch tới vùng có nhiễm khuẩn bạch hầu cũng có thể mắc bệnh.
Đối với thai phụ, trong thai kỳ người phụ nữ có khả năng 3- 5% nhiễm bệnh. Vì thế, phụ nữ khuyến cáo tiêm vaccine phòng bạch hầu để tránh lây truyền sang con. Khoa học cũng đã chứng minh, khi tiêm vaccine trong thời gian mang thai không gây bất cứ hậu quả nào cho thai; không làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng thai, không sảy thai, không sinh non, không làm tăng thêm triệu chứng tiền sản giật, không thai lưu. Như thế, việc tiêm vaccine không có bất cứ ảnh hưởng nào đến trẻ sơ sinh.
Cũng theo ông Phu, trẻ mắc bạch hầu thường có các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, diễn biến khó lường. Do đó, khi trẻ bị bạch hầu, phụ huynh cần cho trẻ ghỉ ngơi tuyệt đối và cách li từ 2 – 3 tuần. Phụ huynh giúp trẻ vệ sinh răng miệng; vệ sinh mắt, tai, mũi; vệ sinh da và xoay trở ngừa loét. Thực hiện tẩy uế các chất bài tiết của người bệnh đúng quy cách. Phụ huynh cho trẻ ăn thức ăn phối hợp đảm bảo đủ năng lượng cho bé chiến đấu chống bệnh tật.
Để phòng bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.