Tây Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Mộc Miên
04/07/2023 - 19:39
Tây Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số

Hội LHPN huyện Châu Thành (Tây Ninh) trao giấy khen cho 2 thành viên cho Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ dân tộc Khmer. Ảnh: Tố Tuấn

Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thực chất góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và nang cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đời sống phụ nữ dân tộc từng bước thay đổi

Xã Hòa Hội (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) là xã vùng sâu biên giới có 817 hộ với 3.178 nhân khẩu, trong đó có 28 hộ dân tộc Khmer với 117 nhân khẩu, phụ nữ dân tộc từ 18 tuổi trở lên có 50 người.  

Theo Hội LHPN xã Hòa Hội, trong những năm qua, đời sống của phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc nói riêng từng bước thay đổi cả về vật chất và tinh thần, trình độ dân trí từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ nhất là phụ nữ dân tộc còn nhiều khó khăn như phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng yếu thế, vẫn còn tình trạng trẻ em gái bị xâm hại, phụ nữ bị bạo hành, đời sống của phụ nữ dân tộc ở nông thôn, biên giới còn nhiều khó khăn, định kiến giới vẫn tồn tại và gây nhiều thiệt hại nặng nề không chỉ cho phụ nữ trẻ em.

Tây Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 1.

Trao quà cho trẻ em dân tộc trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

Hội LHPN xã Hòa Hội cho biết, trong thời gian qua cũng đã có những giải pháp cụ thể, từng bước đưa công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc nói riêng về bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ ngày càng đi vào thực chất cụ thể. Trong đó, Hội duy trì mô hình "Câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật" cho phụ nữ dân tộc thiểu số với 30 thành viên. Thông qua các hoạt động tuyên truyền từ mô hình này, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ dân tộc ngày càng được nâng cao, hình thành dần thói quen "sống, làm theo Hiến pháp và pháp luật", góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ở địa phương.

Hội cũng đã quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Mỗi năm hỗ trợ 10 chị về phương tiện, sinh kế  trên 50 triệu đồng, vận động tặng quà cho 200 lượt phụ nữ dân tộc khó khăn với số tiền 80 triệu đồng. Đối với trẻ em gái dân tộc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vận động tuyên truyền các em khắc phục khó khăn, tiếp tục theo học kết hợp với trao học bổng.

Tây Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 2.

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho hội viên phụ nữ

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Hòa Hội cũng chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp tuyên truyền, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới  và sự tiến bộ của phụ nữ, nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ dân tộc. Với sự nỗ lực của Hội LHPN xã, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong thời gian qua đã phát triển được 1 đảng viên là phụ nữ dân tộc. 

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho phụ nữ dân tộc

Tại hội thảo chuyên đề về Bình đẳng giới năm 2023 với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" vừa được tổ chức, Hội LHPN huyện Châu Thành (Tây Ninh) cho biết: Trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới được sự quan tâm tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương. Khoảng cách phân biệt giữa nam và nữ được giảm dần; phụ nữ được quan tâm, đối xử công bằng, bình đẳng hơn. 

Tuy nhiên do tập quán, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Sau đại dịch Covid-19, tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương đang trong giai đoạn phục hồi chậm, hoạt động của các doanh nghiệp giảm sút, đời sống nhân dân còn nhiều khăn, xã hội phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết, trong đó phụ nữ và trẻ em là lực lượng yếu thế dễ bị tổn thương do mất việc, thiếu việc và bạo lực giới.

Tây Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 3.

Hội thảo chuyên đề về Bình đẳng giới năm 2023 với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" do Hội LHPN huyện Châu Thành (Tây Ninh)phối hợp cùng Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chứctuyên truyền ATGT.

Để thực hiện tốt bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đại diện UBND xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cho rằng cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mang tính định kiến giới, coi thường, hạ thấp phụ nữ, đề cao nam giới.

Phát huy hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, già làng, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ta, cần nâng cao kiến thức cho phụ nữ, tăng cường mở các lớp tập huấn, dạy nghề về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc trong chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con và trong tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm