Tết xa nhà của du học sinh

08/02/2016 - 02:00
Dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào kỳ thi của du học sinh nên ít khi các bạn có thể về nhà ăn Tết. Nhưng du học sinh cũng có cách riêng đón năm mới, vừa vui vừa bớt nỗi nhớ nhà.
Thương mẹ nhiều hơn

Nguyễn Khắc Hùng (25 tuổi), sinh viên năm thứ 4, khoa Công nghệ Thông tin trường ĐH quốc lập Toyama (Nhật Bản) chia sẻ: “Có đi xa quê hương mới cảm giác được nỗi khắc khoải mong được về nhà với gia đình vào dịp Tết, được cùng cả nhà đón giao thừa”.

Năm đầu tiên đi du học là năm Hùng nhớ nhà nhất do chưa quen với cuộc sống xa nhà. “Năm đó, cũng là năm bố tôi vừa mất, ở nhà chỉ có mẹ với chị nên đêm giao thừa tôi thực sự thấy hụt hẫng. Bởi là đàn ông duy nhất trong nhà lại không thể ở nhà để an ủi mẹ và chị. Giờ nghĩ lại sống mũi vẫn cay, vẫn tiếc nuối vì đã không thể về được”.

Tết âm lịch của Việt Nam thường rơi vào kì thì cuối kì nên không phải năm nào Hùng cũng có thể về để đón giao thừa cùng cả nhà. Giao thừa ở Việt Nam thì ở Nhật Bản cũng đã 2 giờ sáng.
tet-xa-nha1.JPG
 Những món ăn cổ truyền các du học sinh chuẩn bị cho Tết xa nhà
“Ngày Tết âm lịch ở mình thì ở Nhật Bản vẫn là ngày thường nên có hôm mình vẫn phải đi làm thêm vào đêm. Gặp hôm phải đi làm thì lúc nào cũng có tâm trạng thấp thỏm mong được về sớm, chỉ đơn giản là để gọi điện về nhà kịp giao thừa và lên mạng xem chương trình Táo quân. Nếu đi làm về muộn quá vẫn cố gọi điện về nhà hỏi thăm gia đình rồi mới đi nghỉ”.

Để vơi đi nỗi nhớ, Hùng thường cùng nhóm bạn đặt bánh chưng với một ít đồ ăn Việt Nam rồi tụ tập ăn uống, hát hò. “Nói là hát hò cho sang chứ chỉ có laptop rồi bộ loa với cái mic để hát nhẹ nhàng thôi, hạn chế làm ồn vào buổi đêm. Còn nếu không tụ tập được thì những người cùng nhà tự nấu ăn, rồi vừa ăn vừa xem mấy kênh tivi Việt Nam qua mạng để cập nhật tình hình trong nước”.

Nếu được nghỉ thì Hùng liên tục gọi điện cập nhật tình hình đón Tết ở nhà, lướt facebook xem bạn bè ở Việt Nam đi chơi Tết. “Nhìn bạn bè đăng ảnh đi chơi, ảnh nấu bánh chưng, xem pháo hoa trong khi mình không thể về tham gia cùng được cũng thấy chạnh lòng. Nhưng buồn nhất vẫn là khi thấy bạn bè đăng ảnh chuẩn bị đón Tết, cảm giác thương mẹ nhiều hơn khi mình xa nhà không giúp được gì. Thế nên nếu có thể thu xếp được mình rất muốn về nhà vào dịp Tết”.
 
Rưng rưng lời chúc giao thừa

Gần 5 năm du học ở Đức, Lê Thị Hải Yến (năm cuối ngành quản trị kinh doanh, trường ĐH Kỹ thuật, kinh tế và văn hoá Leipzig, Đức) có 5 cái Tết xa nhà. Cô chia sẻ: “Năm nào cũng vậy do lịch thi bên này trùng với dịp Tết âm lịch của Việt Nam nên dù rất muốn, mình vẫn không thể thu xếp về quê đón Tết được”.
tet_xa_nha.jpg
Hoạt động đón Tết truyền thống ở Đức do Hải Yến và cộng đồng người Việt tổ chức
Thành phố Leipzig, nơi Yến sinh sống có rất nhiều người Việt. Mỗi dịp Tết đến, cộng đồng người Việt cũng như Ban chấp hành sinh viên Việt Nam tại đây sẽ tổ chức một buổi ca nhạc, giao lưu cùng nhau hướng về Việt Nam. “Thật tuyệt vời khi cùng nhau ăn những món Việt Nam, cùng nhau nghe hát, xem những tiết mục biểu diễn quen thuộc của Việt Nam như múa nón, múa quạt,… Bọn mình còn cùng nhau gói, nấu bánh chưng, làm giò chả để đón Tết. Để xua đi nỗi nhớ nhà, bọn mình còn chuẩn bị đĩa xôi gà, mâm ngũ quả như ở Việt Nam để thắp hương vào ngày cuối cùng của năm âm lịch”, Yến kể.

Khoảnh khắc giao thừa ở Việt Nam thì bên Đức khoảng 18h chiều, lúc đó rất nhiều người đang trên đường, đang đi làm, đi học. “Đáng nhớ nhất với mình có lẽ là Tết năm 2014. Khi mà ở Việt Nam chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao năm mới thì mình đang ở thư viện để ôn bài, bởi còn 30 phút nữa phải vào thi. Thư viện có rất nhiều tầng và không được nói chuyện. Vì thế đúng thời điểm giao thừa, mình chạy ra ngoài để gọi điện chúc mừng năm mới cả nhà. Đang gọi thì nghe thấy tiếng 2 người bạn của mình cũng gọi điện về chúc Tết gia đình, mắt đứa nào cũng rưng rưng. Ngay sau đó, chúng mình cũng không quên chúc nhau thi tốt”, Yến nhớ lại.

Năm nay lại một năm nữa Yến không được đón Tết ở Việt Nam. Nhưng Yến và nhóm bạn đã lên kế hoạch cho buổi gặp gỡ cuối năm với tất cả sinh viên Việt ở đây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm