pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thạc sĩ đi làm shipper và quyết định về quê sau 13 năm ở phố
Tối 10/4, sau hơn 3 giờ đồng hồ ngồi trên máy bay, anh Trần đã về đến quê nhà Thành Đô, cách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) hơn 1.800 km. Anh mang theo vài bộ quần áo đơn giản và một chiếc máy tính xách tay đựng trong balo.
Sau nhiều năm xa xứ, anh hồi hương với tâm trạng đầy phức tạp vì về quê hương với hai bàn tay trắng.
Cách đây 3 năm, lúc đó anh Trần 35 tuổi, là nhân viên trong một doanh nghiệp mới thành lập. Trong mắt những người xung quanh, anh có tương lai đầy hứa hẹn với nhiều hoài bão. Hiện tại ở tuổi 38, anh rơi vào cảnh thất nghiệp và trở thành nhân viên giao hàng.
Lần quay trở về Thành Đô này, anh muốn lấy hết can đảm để thăm người thân và tìm kiếm công việc phù hợp cho tương lai. "Khi tôi còn trẻ và tràn đầy năng lượng, tôi đã nghĩ mình có thể lập nghiệp ở thành phố lớn như Bắc Kinh", anh Trần nói trong sự tiếc nuối.
Ở tuổi 25, anh Trần lấy bằng Thạc sĩ ngành Triết học tại Đại học Tứ Xuyên, sau đó chuyển đến thủ đô Bắc Kinh để làm việc trong lĩnh vực truyền thông. 35 tuổi, anh quyết định nghỉ việc và cùng bạn bè góp vốn thành lập một công ty nhỏ.
Do công ty làm ăn thua lỗ, anh Trần từ bỏ vị trí chủ doanh nghiệp và bắt đầu tìm kiếm hướng đi mới. Trong thời gian gửi hồ sơ xin việc, anh Trần đã thuê một chiếc xe máy điện và trở thành nhân viên giao hàng.
Lý do khiến anh chọn công việc này bởi shipper đã trở thành nghề nghiệp phổ biến với lao động thất nghiệp ở Trung Quốc. Hơn nữa, shipper có thu nhập ổn định, thậm chí có thể gia tăng gấp bội nếu đi giao hàng vào ban đêm và nhận nhiều đơn hàng.
"Buổi sáng tôi thường đi giao hàng, có thể tăng ca vào tối muộn nếu muốn. Còn lại thời gian trong ngày tôi làm công việc viết lách tạm thời và đọc sách. Tôi kiếm được khoảng 4.000 - 5.000 NDT mỗi tháng (khoảng 13.6 - 17.0 triệu đồng)".
Không giống nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khác ở Trung Quốc, họ thường muốn giấu bản thân làm shipper vì cho rằng đây là công việc tay chân. Ngược lại, anh Trần còn vui vẻ tiếp nhận công việc này. "Mỗi khi đi giao hàng giữa lòng thành phố Bắc Kinh đông đúc về đêm, tôi cảm thấy bản thân được tự do, không vướng bận áp lực cạnh tranh như thời còn làm công sở", anh Trần cho hay.
Đáng buồn là từ đầu năm 2023, số lượng đơn hàng đã giảm đi đáng kể, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của anh Trần.
"Thời điểm đó, gia đình tôi phàn nàn rất nhiều, chủ nhà ép tôi phải đóng tiền. Dù tôi cố gắng suy nghĩ tích cực đến đâu, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ".
Trong thời điểm bế tắc nhất, vào ngày 26/3, anh Trần đã đăng tải một video lên mạng xã hội. Trong video, anh suy sụp kể lại chuyện bản thân đã thất nghiệp nửa năm, đi làm công việc giao đồ ăn mặc dù từng lấy bằng Thạc sĩ. Vốn dĩ video được ra đời để anh "trút bầu tâm sự" thế nhưng chúng lại bất ngờ nhận được nhiều quan tâm.
Ban đầu, anh Trần vô cùng lo lắng về sự nổi tiếng của bản thân. Anh thậm chí còn gọi điện cho giáo viên cũ ở đại học, nói rằng mình đã làm xấu bộ mặt của trường. Anh thẳng thắn thừa nhận mình "không phải tấm gương tốt" và hy vọng thế hệ đàn em sẽ có tương lai tốt hơn.
Thế nhưng, trái ngược với phản ứng tiêu cực của chính chủ, gia đình, bạn bè và nhiều thầy cô đã nhắn tin động viên sau khi xem hết video của anh Trần.
"Họ không coi thường tôi. Gia đình còn nói rằng đây là cơ hội để tôi quay về Thành Đô. Bắc Kinh không phải nơi duy nhất mà tôi có thể sinh sống và hoàn thành lý tưởng cuộc đời", anh Trần tâm sự.
Anh Trần cũng cho hay, thời còn trẻ, anh là một người rất "cứng đầu". Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh không quan tâm ý kiến gia đình rằng nên chuyển về gần nhà lập nghiệp mà khăng khăng muốn ở lại thành phố lớn.
Sau khi video của anh Trần được lan truyền rộng rãi, anh đã nhận được vài lời mời làm việc tại quê nhà Thành Đô. Hiện tại, anh đã quyết định hồi hương và nhận làm đạo diễn phim tài liệu trong công ty của một người bạn. Bên cạnh đó, anh cũng muốn thử sức với công việc giảng viên, do đó anh vẫn đang gửi hồ sơ đến nhiều trường Đại học, Cao đẳng tư thục.
Từng sinh sống ở cả Bắc Kinh và Thành Đô, anh Trần cho hay có thể đánh giá áp lực của người trẻ thông qua việc quan sát dòng người đi lại trong giờ cao điểm của tàu điện ngầm.
"Ở Bắc Kinh, cho dù tuyến tàu đã đông nghịt và bạn có muốn hay không, bạn cũng phải liều mình giành lấy một chỗ ngồi. Nhưng ở Thành Đô, nếu chuyến tàu quá đông, chúng tôi có thể đợi đi các phương tiện khác".
Trong thời gian chờ đi làm công việc mới, từng là một Thạc sĩ Triết học nên anh Trần thường suy ngẫm về trải nghiệm đã qua. Từ đó, anh đưa ra nhận định: "Đã có lúc tôi không dám đối diện với vấn đề của bản thân và có khuyết điểm trong tính cách. Cũng có lúc tôi quá ích kỷ và không biết lượng sức mình".
Được biết, giờ đây anh Trần đã hoàn toàn hài lòng với cuộc sống mới ở Thành Đô. Vài ngày tới, anh sẽ trở về thành phố Bắc Kinh, chia tay bạn bè và thu dọn đống hành lý "khủng", chính thức kết thúc 13 năm sống bôn ba bên ngoài.