Theo bác sĩ Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc BV A Thái Nguyên, ca đầu tiên là trường hợp chị Trần Thị Diện (32 tuổi, quê huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Kết hôn đã 12 năm nhưng vợ chồng chị Diện chưa thể sinh con. Nguyên nhân bởi chị Diện bị tắc hai vòi trứng. Ngay sau khi đưa đến BV A Thái Nguyên, bệnh nhân đã mổ u buồng trứng và mở thông buồng trứng. Sau đó, các bác sĩ BV A Thái Nguyên phối hợp với các chuyên gia của BV Phụ sản TƯ và Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân Diện.
Theo đó, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật hiện đại ICSI (bơm tinh trùng vào bào tương noãn). Sau khi chọc trứng, được 11 trứng và cả 11 trứng này đều thụ tinh thành công. Bệnh nhân được chuyển phôi ngày thứ 3 sau chọc trứng và số phôi còn lại được dự trữ. Xét nghiệm Beta HCG chẩn đoán thai nghén sau hai tuần là 1048 mUl/mL. Sau hơn 1 tháng, các bác sĩ siêu âm kiểm tra túi ối thấy thai phát triển bình thường. Theo đánh giá của các y, bác sĩ, ca thụ tinh trong ống nghiệm đã thành công tốt đẹp.
Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho bệnh nhân Diện |
Ngay sau đó, 3 ca thụ tinh trong ống nghiệm tiếp theo cũng được thực hiện tại BV. Sau hai tuần, cả ba ca đều cho kết quả xét nghiệm chẩn đoán thai nghén và siêu âm cho kết quả tốt.
Đây là 4 ca thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện lần đầu tiên tại Thái Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc. Việc thực hiện thành công kỹ thuật này đã đưa BV A trở thành 1 trong 24 trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam, mở ra tia hy vọng điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng trên địa bàn tỉnh, cũng như các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Bác sĩ Thịnh cũng cho biết, sau 4 ca đầu tiên này, đã có 98 hồ sơ nộp đến BV để được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó đã có 40 hồ sơ được duyệt. BV đã thực hiện được 15 ca chọc trứng chuẩn bị cho các ca thụ tinh trong ống nghiệm tiếp theo. Ngoài ra, BV cũng thực hiện nhiều kỹ thuật như sàng lọc trước sinh, nam học, tư vấn và điều trị các vấn đề hiếm muộn, các bệnh phụ khoa. Mới đây, BV cũng đã triển khai được kỹ thuật Pesa (chọc mào tinh hoàn lấy tinh trùng) cho 3 ca vô sinh không có tinh trùng trưởng thành.