Thai phụ đầu tiên nhiễm Zika tại TPHCM phải bỏ thai

28/04/2016 - 21:09
Chị H. (quận 2, TP HCM) được phát hiện nhiễm virus Zika ở tuần thứ 8 của thai kỳ. Chị đã phải quyết định bỏ thai sau khi đến BV Từ Dũ khám siêu âm và phát hiện không có tim thai.
Chiều 28/4, BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận 2, TP. HCM, cho biết: Sau khi thành phố phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên trên thai phụ, Trung tâm đã phân công Trạm y tế, cử nhân viên theo dõi, giám sát, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tư vấn cho chị H. 

Trong quá trình thăm khám và tiến hành siêu âm tại BV Từ Dũ, kết quả cho thấy không còn tim thai nên chị H. đã phải quyết định bỏ thai", BS Phước chia sẻ.
Cũng theo BS Phước, từ ngày 5/4 đến nay, Trung tâm đã tổ chức phun 4 đợt hóa chất diệt muỗi, đến từng nhà dân phát tờ rơi, tờ bướm, làm bảng cam kết yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh, nhà trọ, chủ động phối hợp cùng chính quyền diệt lăng quăng, muỗi, phòng chống muỗi đốt... Vì vậy, sau hơn 24 ngày theo dõi tại địa phương, sự lây lan bệnh Zika ra cộng đồng đã không còn, mẫu xét nghiệm nước tiểu đối với con gái chị H. cũng âm tính với Zika, các thành viên trong gia đình đều không có bất kỳ vấn đề gì bất thường liên quan đến sức khỏe. 
 Diệt muỗi, lăng quăng là một trong những biện pháp hữu hiệu phóng, tránh virus Zika
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, chị Nguyễn Thúy H., 33 tuổi (ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM), làm việc tại tòa nhà Petrovietnam Tower, khởi phát bệnh ngày 29/3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Chị H. đến khám tại BV Đa khoa quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella. Bệnh nhân được nhập viện, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP. HCM cho thấy, chị H. dương tính với virus Zika. Sau đó, kết quả xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ ngày 2/4 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4/4 cũng do kết quả tương tự.
Theo Bộ Y tế, bệnh do virus Zika có thể tái xuất hiện tại Việt Nam. Để phòng bệnh do virus Zika, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng); người đến hoặc về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện sốt, phải đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại để được khám, tư vấn, điều trị. Đồng thời, áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, thai phụ không nên quá hoang mang, lo lắng bởi không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ. Ngoài ra, chỉ những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, ở vùng có dịch, có biểu hiện sốt, viêm kết mạc, nổi ban thì mới đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều cần đến bệnh viện để xét nghiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm