Nạn nhân Marilyn Porras Restor. |
Giống như hàng trăm ngàn gia đình khác trên khắp đất nước Philippines, những đứa con của Marilyn phần lớn thời gian lớn lên mà không có cha mẹ bên cạnh, chúng được người chú chăm sóc, nuôi dưỡng. Vì nghèo khổ, Marilyn và chồng là Arnulfo làm đủ mọi việc từ lau dọn, nấu nướng và lái xe cho những gia đình ở Ả rập Saudi, cách quê nhà hàng ngàn dặm để gửi tiền về nuôi con. Một hoặc hai lần mỗi tuần, những đứa trẻ của Marilyn tụ tập quanh laptop để trò chuyện với mẹ qua Skype. Một ngày, không báo trước, hoàn toàn không có cuộc gọi nào từ Marilyn về gia đình.
Suốt 1 năm tìm kiếm trong tuyệt vọng, cuối cùng gia đình đã đến nhà xác tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Saudi. Arnulfo, người đang làm tài xế cho một gia đình giàu có khác, nhận được một cuộc điện thoại yêu cầu anh đến nhận diện một thi thể, xác chết đó không ai khác chính là vợ anh.
Hơn 10 năm trước, Marilyn có một công việc tốt trong một gia đình hoàng gia tại Riyadh. Cô được tôn trọng và hàng tháng vẫn gửi tiền đều đặn về nhà cho con cái ăn học và phụng dưỡng mẹ già. Nhưng rồi tháng 6 năm ngoái, cô bị mất tích. Chồng cô được cho biết, cô bị bắt cóc và buộc làm việc cho một gia đình hoàng gia khác. Arnulfo đã lần tìm địa chỉ nơi vợ mình làm việc nhưng bị bắn bởi lực lượng bảo vệ gia đình hoàng gia. Không một ai ở đại sứ quán Philippines hay cảnh sát Ả rập Saudi giúp đỡ anh.
Trở lại Philippine, gia đình Marilyn vô cùng lo lắng. Họ thử đến gõ của hết cơ quan này đến tổ chức nọ của Chính phủ đề nhớ giúp đỡ. “Chúng tôi tin Chính phủ nước mình có thể giải cứu em tôi,” Lani, chi gái của Marilyn nói. Tuy nhiên, mọi việc vẫn không có gì tiến triển.
Gia đình Marilyn đã không có bất kỳ tin tức gì từ cô gần 12 tháng liền sau khi cô "mất tích", ngoại trừ một lần cuối tháng 10 năm ngoái, trong cuộc điên thoại ngắn giữa cô và đứa con trai đầu tên John của mình. “Mẹ tôi nói bà ấy vẫn ổn, gia đình không phải lo lắng gi cả”, John cho biết.
Sau khi tìm được xác vợ, Arnulfo nhận được một số tiền bồi thường từ gia đình mà vợ anh đang làm việc nhưng gia đình Marilyn muốn có câu trả lời: Cô ấy chết như thế nào và tại sao bị chết? Họ chỉ nhận được một chút thông tin từ một quan chức tại Đại sứ quán Philipines ở Riyadh rằng, có khả năng cô gấy bị đẩy xuống đất từ trên cao.
Giúp việc nhà - nghề nguy hiểm
Theo Tổ chức Lao động Liên hiệp quốc, những người giúp việc có khả năng phải đối mặt với nạn bạo hành và khai thác tại ngay nơi họ làm việc. Một số trường hợp đã xảy ra gần đây: Một người giúp việc đến từ Ấn Độ đã bị chủ chặt tay khi cô yêu cầu trả công; một nhân viên ngoại giao Ả rập Saudi bị cáo buộc bạo hành và hãm hiếp người giúp việc Nepal trong gia đình ông ta; một người đàn ông Ả rập Saudi khác bị camera gắn trong bếp nhà mình ghi lại cảnh tượng hắn đang tấn công tình dục cô giúp việc... Đó chỉ là những câu chuyện đã được phơi bày công luận, còn biết trường hợp đau lòng khác lưu trữ trong các tài liệu của các nhóm nhân quyền như phụ nữ bị hãm hiếp tập thể, bị đốt bằng dầu, bị tạt acid...
Tại các quốc gia Vùng vịnh, Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế cho biết, 2.4 triệu người giúp việc đang đối mặt với điều kiện làm việc như nô lệ. Lực lượng lao động giúp việc nhà phần lớn không được thống kê nhưng chiếm khoảng 4% lao động toàn cầu và gần 80% trong tổng số là lao động nữ. Chỉ riêng tại Ả rập Saudi, có 1.5 triệu người giúp việc và những tổ chức giới thiệu việc làm hàng tháng vẫn tuyển dụng 40.000 phụ nữ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Người giúp việc là phụ nữ Hồi giáo đến từ Philippines chiếm tỷ lệ cao nhất trong những gia đình giàu có.
Nhiều phụ nữ trong số đó, may mắn gặp được gia chủ tốt bụng được đối xử tốt, trả công đầy đủ tuy nhiên, những trường hợp đáng tiếc xảy ra như Marilyn đang ngày một tăng. Một số phụ nữ biến mất đột ngột, một số khác thì “chết một cách bí ẩn”, thi thể của họ bị cắt xẻo hoặc có dấu vết bị đánh đập dã man nhưng thường được ghi nhận như tự tử hoặc đau tim. Rothna Begum của tổ chức Quan sát nhân quyền cho biết: “Đối với nhiều gia chủ, những phụ nữ này hoàn toàn như món hàng vì đơn giản họ được mua.”
Pháp luật "hậu thuẫn" cho những kẻ có tiền
Nhiều phụ nữ Philipines đến các quốc gia dầu mỏ giàu có làm việc theo hệ thống tài trợ Kafala, đây là một hệ thống ràng buộc pháp lý giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để có một thị thực làm việc, những phụ nữ này được các gia chủ tài trợ, sau đó họ sẽ không được phép bỏ việc hay bỏ về nước nếu không có sự cho phép của gia chủ. Nếu họ tự ý bỏ việc, họ trở thành “lao động bỏ trốn” và có thể bị phạt hoặc bỏ tù.
“Với những hệ thống như Kafala, gần như quyền lợi cho các phụ nữ di cư hoàn toàn bị tước mất và cũng như hoàn toàn không thấy đề cập bất kỳ hình thức trừng phạt nào đối với chủ lao động nếu họ có những hành vi bạo hành người lao động”, Begum nói, “Thật đáng sợ khi những gì tàn ác sẽ xuất hiện khi một người có toàn quyền điều khiển người khác.”
Chính phủ Philipine được xem là một quốc gia tiến bộ và chủ động nhất khi họ nỗ lực giành công lý cho những lao động của mình ở nước ngoài. Đó là yêu cầu mức lương tối thiểu 400 USD/tháng. “Vì vậy, nếu bạn nghĩ tình trạng của phụ nữ Philipines là tệ thì thực tế còn tệ hơn nhiều với những phụ nữ đến từ các quốc gia như Sierra Leone, Kenya hay Bangladesh... Ít nhất, Đại sứ quán Philipines cũng đã cung cấp nơi trú ẩn cho những nạn nhân đang cố gắng thoát khỏi bóc lột và lạm dụng, trong khi những phụ nữ của quốc gia khác thì phải hoàn toàn dựa vào chính mình”, Begum đưa ra nhận xét.
Gia đình Restor đau đớn khi nghe tin về cái chết của cô |
Hiện tại, có 53 triệu người giúp việc trên toàn thế giới – nhiều người trong số họ là người nhập cư như Marilyn, từ các nước nghèo đến các quốc gia giàu có hơn để kiếm việc làm. Tại Philippines, có đến 25% dân số sống dưới mức nghèo khổ, nhiều gia đình phải vật lộn kiếm ăn từng bữa cũng như nỗ lực để con cái được đến trường. Điều này khiến hơn 10 triệu người phải ra nước ngoài tha phương cầu thực, kiếm kế sinh nhai, chủ yếu tới các quốc gia Trung đông. Lượng ngoại tệ gửi về Philippines từ lực lượng lao động này hiện đạt 26 tỷ USD, chiếm gần 15% GDP của quốc gia.
|