Ngày 12/4, Hội Liên LHPNVN đã tổ chức buổi hội thảo “Tham vấn nâng cao hiệu quả giữa Hội LHPNVN với các cơ quan tố tụng trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái”.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, nêu lên thực trạng: Thời gian qua, tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, đặc biệt là các vụ bạo lực, xâm hại tình dục ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thương nặng nề đến thể chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em, ảnh hưởng lớn đến gia đình, xã hội.
Hội thảo mong muốn nhận được các ý kiến tham vấn xung quanh các quy định của pháp luật về trách nhiệm của Hội LHPNVN và các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp hoạt động nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, hoạt động trong quá trình tiến hành tố tụng. Qua đó, Hội LHPNVN và các cơ quan tiến hành tố tụng có những phối hợp hoạt động đúng quy định và hiệu quả trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.
Trao đổi tại hội thảo, bà Lương Ngọc Trâm, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thẩm phán TAND Tối cao, cho biết: Đối với các tội xâm hại tình dục phụ nữ, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, về tội dâm ô đối với trẻ em thì dù không tổn thương về mặt thể chất nhưng lại ảnh hưởng rất lớn về tinh thần, sự phát triển bình thường của trẻ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong quá trình điều tra, thụ lý các cơ quan tiến hành tố tụng lại gặp không ít khó khăn để đưa đối tượng phạm tội này ra trước pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong đó cái khó nhất là thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm.
Thẩm phán Lương Ngọc Trâm chia sẻ thêm, hiện nay ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhận thức của nhiều chị em còn có tư tưởng cam chịu trước nạn bạo lực gia đình. Nhiều phụ nữ khi phát hiện người thân trong gia đình xâm hại tình dục con gái thường im lặng hoặc không dám lên tiếng và theo thời gian, những vụ việc đó càng trở nên trầm trọng, phức tạp, việc xử lý trước pháp luật càng khó khăn, thậm chí rơi vào bế tắc.
Đối với những vụ bạo lực gia đình, xâm hại tình dục thì phụ nữ, trẻ em gái là những đối tượng chiếm đa số và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, trước hết bản thân những người phụ nữ, người vợ, người mẹ hãy tự cứu lấy mình, con mình và gia đình mình bằng việc lên án hành vi sai trái, không im lặng trước những hành vi đồi bại. Ngoài ra, các cấp chính quyền ở cơ sở cũng nên phát huy hơn nữa vai trò của mình nhằm sớm phát hiện và có những biện pháp kịp thời để bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trước những nguy cơ bị xâm hại.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cũng như đại biểu các bộ, ngành liên quan và một số luật sư nhấn mạnh đến việc cần có sự phối hợp giữa Hội LHPNVN với các cơ quan trong quá trình tố tụng để hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Với nhiều vụ án nhạy cảm như mua bán phụ nữ; xâm hại tình dục trẻ em... thì sự có mặt kịp thời của tổ chức Hội sẽ hỗ trợ nhiều cho nạn nhân cũng như giúp các cơ quan tố tụng thuận lợi hơn khi điều tra, truy tố, xét xử...