Thấm thía hơn trong quãng thời gian chăm sóc mẹ bị bệnh nan y

Thủy Kiều
13/01/2022 - 17:19
Thấm thía hơn trong quãng thời gian chăm sóc mẹ bị bệnh nan y

Ảnh minh họa

Cuộc sống êm đềm của tôi hoàn toàn bị xáo trộn kể từ khoảnh khắc mẹ tôi thông báo việc mẹ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng.

Đó là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi nhưng tôi và chị đều tin rằng, mẹ sẽ mạnh mẽ để vượt qua tất cả. Khi đó, cả tôi và chị đều đang học đại học. Phải mất rất nhiều thời gian để có được chẩn đoán chính xác vì mẹ tôi quá lo lắng, đến nỗi không muốn khám xét kĩ, khi phát hiện thì cũng là lúc bệnh đã trở nặng. Năm đó, chị tôi đi du học theo diện trao đổi. Đó là một cơ hội hiếm có nên chị không thể hoãn hay hủy chuyến đi. Tôi trở thành người chăm sóc chính cho mẹ trong 2 năm rưỡi.

Lúc đầu, mọi việc có vẻ khá dễ dàng. Tôi chỉ cần lên lịch các cuộc hẹn với bác sĩ và đưa mẹ đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ... Thời điểm đó, mẹ tôi vẫn có thể tự làm mọi việc. Vì vậy, mỗi lần đến bệnh viện, tôi thường để mẹ tự xoay xở, trong lúc đó, tôi tranh thủ lượn lờ và thư giãn cho đến khi mẹ gọi. Theo thời gian, tình trạng của mẹ ngày càng tồi tệ, đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải làm nhiều việc hơn. Mẹ gặp nhiều khó khăn khi nói chuyện, thậm chí mẹ không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì bằng miệng. Bác sĩ trấn an rằng các phương pháp điều trị đang phát huy hiệu quả, nhưng tôi hiểu mẹ đang ở giai đoạn sau của bệnh ung thư và nó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ. Sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng mẹ vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Tôi luôn ở bên cạnh, động viên mẹ. Tôi giúp mẹ đi lại, cho mẹ ăn qua ống truyền và liên tục kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ. Điều khó khăn nhất trong tất cả những điều này là mẹ ngày càng mất đi tính tự lập - điều mà mẹ rất ghét khi còn khỏe mạnh.

Khi tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, mẹ quyết định làm một ca phẫu thuật để loại bỏ khối u, thay thế phần mặt và hàm đã hỏng. Đối với mẹ, ngay cả khi không có cơ hội sống sót trong ca phẫu thuật, mẹ vẫn không từ bỏ. Cuối cùng, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Bác sĩ trong ê-kip thực hiện đã gọi nó là một "phép màu" dựa trên tuổi tác và sức khỏe tổng thể của mẹ tôi.

Thấm thía hơn trong quãng thời gian chăm sóc mẹ bị bệnh nan y - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau một thời gian hồi phục, mẹ đã trở lại cuộc sống gần như bình thường, bất chấp việc nói chuyện còn khó khăn và không thể ăn uống được nhiều. Dù chỉ là một tiến triển nhỏ nhất cũng khiến mẹ hạnh phúc. Thật không may, căn bệnh ung thư đã quay trở lại sau đó khoảng một năm rưỡi. Người mẹ kiên cường của tôi lúc này đã có những dấu hiệu kiệt sức. Nhưng một lần nữa, mẹ không chịu bỏ cuộc mà chấp nhận các đợt hóa trị. Tuy nhiên, lần này không còn phép màu nào nữa. Tôi cảm nhận được sự mệt mỏi thể hiện qua nhịp thở của mẹ.

Tôi cũng xác định trước tinh thần để không bị sốc. Tôi thường đến bên giường, đánh thức mẹ vào buổi sáng. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian mới có thể dìu nhau ra khỏi giường. Kể cả không còn tia hy vọng nào, tôi vẫn muốn đảm bảo mẹ được uống đủ thuốc và ăn uống đủ chất cho cả ngày. Mẹ rất thương tôi, muốn tiếp tục cố gắng vì tôi nhưng tất cả những gì mẹ có thể làm chỉ là nghỉ ngơi.

Chăm sóc mẹ khiến tôi cảm thấy như một kiểu đền đáp mà tôi sẽ không bao giờ có thể làm lại một cách trọn vẹn. Chăm sóc một người có ý chí mạnh mẽ, độc lập như mẹ tôi càng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Sợ mẹ tủi thân, tôi cố gắng ở bên cạnh, trò chuyện và nhắc nhở liên tục: "Mẹ ơi, nếu có bất cứ thứ gì mẹ cần, hãy nói cho con biết, con sẽ mang đến ngay cho mẹ. Mẹ nhớ nhé, tất cả những gì mẹ cần làm chỉ là nói cho con biết".

Thời gian chăm sóc mẹ đã cho tôi những cảm nhận sâu sắc. Nó khiến tôi thực sự đánh giá cao tất cả những gì mẹ đã làm cho tôi khi tôi còn nhỏ. Hiện tại, tôi chỉ có thể tập trung vào việc đảm bảo rằng những ngày còn lại của mẹ sẽ là những ngày tốt đẹp nhất có thể. Tôi không để mẹ cảm thấy cô đơn. Vì vậy, tôi luôn ở bên cạnh nếu biết mẹ đang cần điều gì đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm