Thận trọng với các biến chứng của bệnh Rubella

QN
28/04/2021 - 08:15
Thận trọng với các biến chứng của bệnh Rubella
Nếu không được điều trị và can thiệp đúng, các biến chứng của bệnh Rueblla rất nguy hiểm có thể xảy ra như viêm khớp, giảm tiểu cầu, viêm màng não - viêm não, hội chứng Rubella bẩm sinh,...

Trong hầu hết các trường hợp bệnh Rubella đều lành tính và khỏi hoàn toàn sau khi điều trị. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm và điều trị đúng cách, các biến chứng của bệnh Rubella gây nên cũng có thể xuất hiện và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho sức khỏe của bệnh nhân.

Một số biến chứng do bệnh Rubella gây nên:

1. Viêm khớp, đau khớp

Viêm khớp, đau khớp là một trong các biến chứng của bệnh Rubella thường gặp nhất trên thực tế. Nhưng biến chứng của bệnh Rubella này được ghi nhận nhiều hơn ở bệnh nhân lứa tuổi thanh niên hoặc người lớn, nữ giới cũng có tỷ lệ mắc viêm khớp do biến chứng của Rubella cao hơn từ 4-5 lần so với nam giới.

Các biểu hiện đầu tiên của viêm khớp do biến chứng của Rubella thường sẽ xuất hiện khi tình trạng phát ban khởi phát. Viêm khớp do biến chứng của bệnh Rubella hay gặp nhất ở các khớp cổ tay, khớp ngón tay, khớp gối và khớp mắt cá nhân. Biểu hiện thông thường nhất khi bệnh nhân bị viêm khớp là đau. Nhưng đôi khi viêm khớp cũng có thể biểu hiện bằng tình trạng nặng nề hơn với tràn dịch tại các ổ khớp,...

Thậm chí viêm khớp có thể gây ra nhiều biến chứng khác bạn có thể đọc thêm TẠI ĐÂY.

Thông thường, viêm khớp do biến chứng của bệnh Rubella sẽ kéo dài từ 2-30 ngày trước khi biến mất và ít khi để lại di chứng đối với khả năng vận động sau này của người bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ cần thời gian lâu hơn để tình trạng viêm khớp có thể biến mất hoàn toàn.

Để khắc phục biểu hiện của viêm khớp ở bệnh nhân Rubella, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc (chườm nóng, chườm lạnh,...), giảm đau bằng thuốc, hạn chế vận động,...

Thận trọng với các biến chứng của bệnh Rubella - Ảnh 1.

Viêm khớp cổ tay là một biến chứng của bệnh Rubella rất thường gặp (Ảnh: Internet)

2. Biến chứng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân Rubella

Tiểu cầu là một loại tế bào tồn tại trong máu của con người, vai trò chính của tiểu cầu trong cơ thể là tham gia vào quá trình đông máu. Khi số lượng tiểu cầu trong cơ thể giảm xuống, các cơ chế đông máu sẽ bị rối loạn dẫn đến hậu quả khiến cho bệnh nhân dễ bị xuất huyết, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu xuất huyết ồ ạt.

Khi bệnh nhân bị mắc bệnh Rubella, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để có thể chống chọi với bệnh. Nhưng các kháng thể này cũng có thể kết hợp, phản ứng chéo với tiểu cầu do có cùng tính kháng nguyên với mầm bệnh, khiến kháng thể nhận diện nhầm tiểu cầu trở thành một yếu tố có hại cho cơ thể và tiến đến kết hợp. Phức hợp kháng thể - tiểu cầu sau khi hình thành sẽ bị các bạch cầu của cơ thể bắt giữ và tiêu hủy. Hậu quả là số lượng tiểu cầu của bệnh nhân bị giảm đi do tăng tiêu hủy.

Ngoài ra, khi kháng thể kết hợp với mẫu tiểu cầu trong tủy xương (tiền thân của tiểu cầu trưởng thành) làm tiêu hủy mẫu tiểu cầu thì cũng sẽ gây giảm tiểu cầu do quá trình sản xuất tiểu cầu bị rối loạn.

Khi bị giảm tiểu cầu do biến chứng của bệnh Rubella, nếu mức tiểu cầu chỉ giảm nhẹ thì bệnh nhân có thể không có bất kỳ biểu hiện nào, chỉ có thể phát hiện giảm tiểu cầu thông qua xét nghiệm công thức máu. Nhưng nếu mức tiểu cầu giảm nhiều, có thể gặp các biểu hiện của tình trạng xuất huyết như các mảng xuất huyết, bầm tím dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo bất thường,...

Khi bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do biến chứng của bệnh Rubella, vấn đề can thiệp bệnh nhân thường sẽ được đưa ra dựa trên mức độ giảm tiểu cầu và tình trạng xuất huyết của bệnh nhân. Do liên quan đến yếu tố miễn dịch nên hai biện pháp điều trị chính hiện nay là sử dụng Methylprednisolon và truyền tiểu cầu.

Chỉ định sử dụng Methylprednisolon được đưa ra khi mức tiểu cầu giảm dưới 20G/L. Thời gian sử dụng thuốc thường kéo dài đến 3 tuần. Sau đó nếu không đáp ứng với điều trị có thể giảm liều và phối hợp hoặc thay bằng thuốc khác như Rituximab,...

Truyền tiểu cầu chỉ được chỉ định ngay khi tiểu cầu của bệnh nhân còn trên 50 G/L nhưng có biểu hiện xuất huyết nặng, và truyền tiểu cầu thường quy với các trường hợp tiểu cầu giảm dưới 20G/L.

Thận trọng với các biến chứng của bệnh Rubella - Ảnh 2.

Giảm tiểu cầu do biến chứng của bệnh Rubella có thể gây nên tình trạng xuất huyết từ nhẹ cho đến rất nghiêm trọng (Ảnh: Internet)

3. Viêm màng não - viêm não do biến chứng của Rubella

Viêm màng não - viêm não do biến chứng của bệnh Rubella là một biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Tác nhân virus trong máu di chuyển qua hàng rào máu não vào trong dịch não tủy gây viêm màng não - viêm não và làm tổn thương não.

Biến chứng này là một biến chứng của bệnh Rubella khá hiếm gặp, tỷ lệ mắc khoảng 1/5000 bệnh nhân, và thường hay gặp ở trẻ em hơn là người lớn. Viêm màng não - viêm não do bệnh Rubella thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian 1 tuần kể từ khi có biểu hiện phát ban trên da, nhưng cũng có thể khởi phát muộn.

Tương tự như các trường hợp viêm màng não - viêm não khác, viêm màng não - viêm não do biến chứng của bệnh Rubella cũng biểu hiện bằng các triệu chứng như chậm chạp, ngủ gà, kích thích, rung giật nhãn cầu, co giật, liệt dây thần kinh, cổ cứng, các dấu hiệu màng não dương tính,... Để chẩn đoán chính xác viêm màng não - viêm não do biến chứng của bệnh Rubella thì người ta cần dựa vào kết quả xét nghiệm dịch não tủy (bạch cầu lympho tăng ưu thế đặc trưng cho tình trạng bệnh do nguyên nhân virus, nồng độ Glucose dịch não tủy bình thường và mức Protein có thể bình thường hoặc tăng nhẹ,...).

Nếu không được điều trị đúng đắn và can thiệp kịp thời, viêm màng não - viêm não do biến chứng của bệnh Rubella có thể diễn tiến nặng, bội nhiễm vi khuẩn, hoặc để lại các di chứng lâu dài về thần kinh cho sức khỏe của bệnh nhân.

Các nội dung chính trong điều trị viêm màng não - viêm não bao gồm chống phù não bằng các dung dịch ưu trương, hạ nhiệt thích hợp, truyền kháng thể Gammaglobulin, sử dụng Methyprednisolon, và sử dụng kháng thuốc kháng sinh khi có các biểu hiện của bội nhiễm vi khuẩn,...

Thận trọng với các biến chứng của bệnh Rubella - Ảnh 3.

Viêm màng não do biến chứng của bệnh Rubella là biến chứng hết sức nguy hiểm (Ảnh: Internet)

4. Các dị tật bẩm sinh do biến chứng của bệnh Rubella

Mắc bệnh Rubella ở phụ nữ mang thai được quan tâm một cách đặc biệt. Bởi virus Rubella có thể qua được nhau thai và xâm nhập để gây bệnh cho thai nhi, nên mắc Rubella khi mang thai rất dễ gây nên dị tật thai nhi. Tuổi thai khi mắc bệnh càng nhỏ thì nguy cơ dị tật càng cao.

Các số liệu thống kê cho thấy rằng, nếu mắc bệnh trước tuần 13 thai kỳ thì tỷ lệ dị tật thai nhi khoảng 75-100% trẻ sinh ra mắc Rubella bẩm sinh, trong đó khoảng 25 %có dị tật. Nếu mắc bệnh từ tuần thứ 13 -18 thai kỳ, tỷ lệ mắc Rubella bẩm sinh giảm xuống còn khoảng 17% và khi mắc bệnh muộn hơn thì tỷ lệ này giảm xuống ở mức không đáng kể.

Do sự ảnh hưởng nặng nề và lâu dài lên sức khỏe của trẻ khi mắc Rubella bẩm sinh, do đó các biểu hiện dị tật do bệnh Rubella bẩm sinh thường được gọi với tên hội chứng Rubella bẩm sinh. Các biểu hiện chính của hội chứng Rubella bẩm sinh bao gồm sinh non nhẹ cân, đục nhân mắt, đục giác mạc, thông buồng tim, còn ống động mạch, câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ,..

Bởi các hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh là rất nghiêm trọng, vì vậy vấn đề thường được đặt ra là nên chấm dứt hay tiếp tục duy trì thai kỳ ở một thai phụ mắc bệnh Rubella. Chỉ định duy trì hay chấm dứt thai kỳ sẽ được xác định dựa vào tuổi thai tại thời điểm chẩn đoán bệnh.

- Nếu thai kỳ dưới 13 tuần tuổi: Nên chấm dứt thai kỳ sớm bởi nguy cơ dị tật rất cao.

- Nếu thai kỳ từ 13-18 tuần tuổi: Có thể theo dõi tiếp tục hoặc chấm dứt thai kỳ tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Tốt nhất nên thực hiện tìm virus Rubella trong nước ối, tiến hành chấm dứt thai kỳ với các trường hợp virus Rubella nước ối dương tính và có thể theo dõi tiếp nếu kết quả âm tính.

- Nếu thai kỳ trên 18 tuần: Không có chỉ định chấm dứt thai kỳ, tiếp tục theo dõi và chăm sóc như thai kỳ bình thường,...

5. Một số biến của bệnh Rubella khác có thể gặp

Bên cạnh các biến chứng như viêm khớp, viêm màng não - viêm não, giảm tiểu cầu, dị tật bẩm sinh như đã kể trên thì bệnh Rubella còn có thể gây nên một số các biến chứng khác như tình trạng viêm gan nhẹ, viêm phổi, viêm tinh hoàn,...

Hầu hết các biến chứng này đều ở mức độ nhẹ và có thể được cải thiện nhanh chóng nếu được điều trị đúng cách và chăm sóc đúng đắn sau đó. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ để có thể chắc chắn rằng các biến chứng đã được khắc phục và sẽ không gây nên hậu quả lâu dài nào cho bệnh nhân.

Qua đây có thể thấy rằng, mặc dù không phải là một bệnh lý nguy cấp nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh Rubella lại cực kỳ nghiêm trọng bởi các nguy cơ biến chứng mà nó gây nên. Do đó, người bệnh cần thực hiện tốt các chỉ định điều trị và theo dõi từ bác sĩ để phát hiện và có hướng xử trí kịp thời, thích hợp nếu có các biến chứng của bệnh Rubella xảy ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm