Louis Pasteur (1822-1895) là nhà khoa học Pháp nổi tiếng. Những nghiên cứu của Louis Pasteur đã giúp nhân loại chống lại những căn bệnh như bệnh tả, bệnh than, bệnh dại. Khám phá của ông về vi khuẩn với quá trình tiệt trùng không chỉ giúp ngành công nghiệp rượu vang và sữa của Pháp phát triển mà còn giúp thay đổi các quy trình ở bệnh viện để trở nên vệ sinh và an toàn hơn. Phát hiện của ông về vắc xin và vi khuẩn đã tạo tiền để cơ bản cho ngành y tế dự phòng hiện đại. Viện Y học Lon Don đã gọi Louis Pasteur là “Vị ân nhân của cả nhân loại”.
Louis Pasteur đạt được thành tựu rực rỡ nhất trong ngành y học
Sự kiên trì
“Sức mạnh của tôi chỉ nằm trong sự kiên trì”
Suốt thời kỳ đi học, cậu học trò Louis Pasteur chưa bao giờ được đánh giá thông minh, có khả năng vượt trội nhưng không ai có thể phủ nhận tinh thần làm việc nghiêm túc và sự kiên trì của Louis. Giáo sư Jean Dumas- giáo sư hóa học nổi tiếng nhất bấy giờ đã ghi chú những dòng nhận xét trong học bạ tốt nghiệp của Louis Pasteur như sau “Louis Pasteur có thể không là một sinh viên xuất sắc nhưng lại là một con người kiên nhẫn với thói quen làm việc cần mẫn đến kinh ngạc. Louis Pasteur sẽ trở thành một giáo sư xuất sắc”.
Khả năng ứng dụng các nghiên cứu vào đời sống
“Không tồn tại một loại khoa học mà không thể áp dụng vào đời sống”
Louis Pasteur luôn nói “Họ biến những nghiên cứu thành bài phát biểu còn tôi đưa ra thành thực tiễn”. Lý thuyết của ông về vi khuẩn và mầm bệnh không chỉ tồn tại trên giấy mà đã cứu ngành công nghiệp tơ lụa của Pháp bằng việc phát hiện ra những vi khuẩn gây bệnh trên kén tằm và loại bỏ chúng. Lý thuyết đó đồng thời cũng đưa ra quy trình thanh trùng, khử trùng giúp ngành sữa ngăn chặn sữa sớm bị chua và hỏng. Lý thuyết của Louis Pasteur cũng giúp rượu vang Pháp có thể xuất khẩu khắp nơi trên thế giới bằng việc bảo quản ngăn chặn sự xâm nhập vi khuẩn làm hỏng men rượu. Và thành tựu vĩ đại nhất của Louis Pasteur là từ lý thuyết mầm bệnh, ông đã tìm ra các loại vắc xin cho bệnh tả, bệnh than và bệnh dại.
Ông được xem là một trong 3 người thiết lập lĩnh vực vi sinh vật học và được gọi là "cha đẻ của vi sinh vật học"
Tin vào những nghiên cứu của mình
“Đừng để tâm trí bị nhiễm độc bởi những lời dèm pha, thái độ hoài nghi cằn cỗi đối với những điều mới mẻ bạn vừa nghĩ ra”
Mặc dù những nghiên cứu khoa học của Louis Pasteur đã được chứng minh trong thực tiễn, nhưng khi bắt đầu cho những ý tưởng đầu tiên của mình, Pasteur luôn luôn bị nhạo báng. Ở thời đại của ông, người ta tin quá trình lên men là do phản ứng hóa học giữa các chất và những vi sinh vật nhỏ bé như vi khuẩn không thể gây bệnh cũng như có thể là nguyên nhân tử vong cho con người. Một số bác sĩ lâu năm trong ngành y thậm chí không thể chấp nhận những nghiên cứu của Louis Pasteur trong y học đơn giản bởi vì họ cảm thấy bực bội khi những nghiên cứu y học lại được tiến hành bởi một người không hề được đào tạo về ngành y. Nhưng Louis Pasteur chưa bao giờ nản lòng bởi những sự phản đối, ông vẫn kiên trì và tin tưởng vào lý thuyết của mình cho đến khi cả nhân loại phải công nhận.
Niềm đam mê
“Tôi tìm thấy niềm vui, đam mê và chính bản thân mình trong công việc”
Nghiên cứu khoa học là một công việc khó khăn, không có đam mê sẽ không có thành quả. Trong cuộc đời Louis Pasteur, nghiên cứu khoa học không chỉ là một công việc mà còn như một phương thuốc chữa lành những đau thương trong đời sống cá nhân. Louis Pasteur đã từng bị xuất huyết não sau khi ba trong số năm người con của ông qua đời. Người ta tưởng như ông không thể tiếp tục công việc của mình. Nhưng Louis Pasteur đã trở lại, sự bất lực trước cái chết của ba người con là động lực mạnh mẽ để ông hướng toàn bộ những nghiên cứu sau đó của mình vào y học. Để mô tả cách Louis Pasteur làm việc, trong cuốn sách “The Story of San michele”, Axel Munthe – một học trò của Louis Pasteur đã viết về quá trình tìm ra vắc xin bệnh dại và sự ngỡ ngàng của mình trước niềm đam mê và thái độ sẵn sàng hi sinh cho khoa học của Louis Pasteur như sau “Louis Pasteur không hề sợ hãi, cho dù ông thừa biết rằng một chút nước bọt của con chó dại có thể làm ông nhiễm căn bệnh chết người này. Nhưng nhà khoa học vĩ đại dường như sẵn sàng hi sinh bản thân mình. Con chó điên cuồng trong cũi với đôi mắt đỏ ngầu và bàn chân cào xé đầy máu không khiến Louis chùn bước, chỉ với găng tay, ông đã lấy được vài giọt nước bọt chết người từ miệng của con chó điên dại để tạo ra loại vắc xin giúp nhân loại chống lại căn bệnh kinh hoàng này”. Ngày 28 tháng 8 năm 1895, Louis Pasteur qua đời tại Paris, những lời cuối cùng của ông là “Một trong những điều ý nghĩa với tất cả mọi người đó là họ sinh ra để cống hiến bằng công việc của mình và tôi đã làm những gì mà mình có thể”.