pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động sôi nổi tại Ngày Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp năm 2023
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá Ngô Thị Hồng Hảo (giữa) tham quan gian hàng của hội viên là người dân tộc thiểu số
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, bà Lê Thị Hồng Hảo - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá cho biết chương trình được tổ chức nhằm kỷ niệm 93 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Chương trình cũng nhằm biểu dương, tôn vinh các ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ trên toàn tỉnh.
Trong suốt 6 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã triển khai hội thi "Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp"; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp, thương mại điện tử cho trên 25 ngàn hội viên, phụ nữ; hỗ trợ trên 15 ngàn phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thành lập trên 800 doanh nghiệp nữ, 72 hợp tác xã, 96 tổ hợp tác. Nhờ đó, hơn 800 sản phẩm của hội viên, phụ nữ được giới thiệu trên không gian mạng; 114 ý tưởng xuất sắc được vinh danh, trong đó có 6 dự án, ý tưởng xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển.
"Đây là những con số minh chứng rõ nét nhất cho sự lan tỏa tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ. Tất cả đã và đang góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của địa phương" - bà Ngô Thị Hồng Hảo nhấn mạnh.
Với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, cùng nhau vươn xa", ngày hội thu hút 60 gian hàng đại diện các cụm thi đua của Hội và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; giới thiệu, trưng bày hơn 500 sản phẩm mang đậm giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa vùng miền, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm tái chế, sản phẩm đạt giải trong cuộc thi "Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp năm 2023", cùng khu chuyên biệt giành cho ẩm thực, trà đạo mang đậm phong vị làng quê, bản sắc văn hóa dân tộc.
Điều đặc biệt, là có gần 40 sản phẩm do phụ nữ di cư trở về sản xuất, kinh doanh được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng. Điều này đã thể hiện đam mê, khát vọng khởi nghiệp, tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ để hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số dựa vào di sản, phát huy tài nguyên bản địa, mạnh dạn, tự tin mang khát vọng khởi nghiệp của mình vươn cao, vươn xa, lan tỏa và hòa chung vào làn sóng khởi nghiệp Quốc gia.
Các gian trưng bày sản phẩm mang đậm giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa vùng miền tại ngày hội
Ngày Hội diễn ra trong 3 ngày từ 29/9 đến 2/10/2023 với chuỗi hoạt động như: (1) Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường; (2) Giao lưu kết nối giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người, di cư an toàn; (3) Truyền thông về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn với chủ đề "Lắng nghe nạn nhân, dẫn lối hành động"; (4) Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ ứng dụng KHCN và tập huấn ứng dụng KHCN, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; (5) Chương trình ga la "Vườn ươm doanh nhân"; (6) Hội thi "Phụ nữ Thanh Hóa với an toàn giao thông" và truyền thông kiến thức an toàn thực phẩm.
Đây là dịp để hội viên, phụ nữ các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh được kết nối, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm bản địa tiêu biểu; mở ra cơ hội tiếp cận vốn, kiến thức, kinh nghiệm hay để chị em có điều điều kiện khẳng định năng lực, vai trò của bản thân, cùng nhau vươn xa, góp phần hiện thực khát vọng xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.