pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thật sai lầm nếu bạn còn làm 9 điều này với tiền của mình
Khi bạn trân trọng và có cách đối xử đúng đắn với tiền bạc của mình, bạn mới hấp dẫn được tiền và trở nên giàu có.
Do vậy nếu bạn đã và đang còn làm những điều sau đây với số tiền bản thân vất vả kiếm được, khả năng cao là bạn sẽ mãi túng thiếu mà thôi.
1. Rút toàn bộ tiền mặt ngay khi có lương
Barbara Friedberg, một nhà tư vấn tài chính cá nhân cho biết: “Bạn có khả năng cao sẽ tiêu hết tiền lương nếu rút toàn bộ chúng thành tiền mặt". Cách làm được các chuyên gia khuyến nghị là tự động chuyển khoản số phần trăm tiền lương nhất định vào tài khoản tiết kiệm, sau đó bạn mới gửi phần còn lại sang tài khoản chi tiêu.
Sau khi dành phần nhất định cho mục đích tiết kiệm, không nhìn thấy số tiền đó nữa, bạn sẽ không chi tiêu tới. Để tận dụng tối đa khoản tiền lương còn lại, bạn hãy tiến hành lập ngân sách, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho các chi phí trong tháng.
2. Sa ngã trước các khoản mua sắm mà bạn không thể chi trả
Các ưu đãi trả góp với lãi suất bằng 0 nghe có vẻ là một thỏa thuận tuyệt vời, thế nhưng nó lại khiến bạn rơi vào tình cảnh nợ nần.
Người sáng lập trang web tài chính cá nhân Debt Roundup nói: “Đừng mua một chiếc xe hơi mới vì nó chỉ cần trả góp khoản tiền không nhiều mỗi tháng. Những giao dịch tài chính đó thừa khả năng hủy hoại tài khoản của bạn".
Nếu chỉ nhìn vào món tiền phải trả góp hàng tháng, bạn sẽ thấy con số ấy không lớn. Bỏ ra ít tiền mỗi tháng để sở hữu ngay lập tức một món đồ đáng mơ ước, nghe có vẻ tuyệt vời đúng không? Vậy nhưng bạn có biết rằng mình sẽ phải gắn bó với món nợ ấy lâu hơn nhiều so với dự đoán?
3. Sống trên mức khả năng của bản thân
Một trong những nguyên tắc để xây dựng sự giàu có là sống dưới mức khả năng của chính mình. Tiết kiệm và đầu tư nên là hai vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu. "Chúng sẽ giúp bạn có tiền trang trải chi phí học đại học của con cái và sống thoải mái trong thời gian nghỉ hưu", Cathy Curtis, một nhà lập kế hoạch tài chính cho biết.
4. Mua sắm khi cảm xúc không ổn định
Khi cảm xúc đang có sự xáo trộn mạnh mẽ, nó rất dễ ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm của bạn. Chúng ta thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn để làm dịu tâm trạng xấu của mình lúc ấy.
Một cách khôn ngoan nhất là chỉ đi mua sắm khi bản thân đang tỉnh táo, thư giãn, bạn sẽ đưa ra được các quyết định chi tiêu đúng đắn. "Có nhiều cách để khiến bản thân hài lòng mà không cần phải chi tiêu. Hãy đưa ra các quyết định mua sắm dựa trên nhu cầu thực tế và tình hình ngân sách của bạn", Curtis nói.
5. Đặt tất cả tiền vào khoản đầu tư có tính thanh khoản kém
Nhiều hạng mục đầu tư thực sự “khóa chết” tiền của bạn bởi vì chúng có tính thanh khoản kém. Một khi rót vốn đầu tư, rất khó khăn để bạn có thể thu hồi tiền.
Khi đầu tư, bạn nên xác định rõ bao giờ và bằng cách nào mình có thể lấy lại số tiền bỏ ra. Một quyết định tài chính sai lầm là bạn đặt phần lớn hoặc tất cả tài sản vào thứ gì đó không thể bán được nhanh chóng, trừ phi bạn chấp nhận chịu tổn thất đáng kể.
6. Không bao giờ biết tiền của mình đã đi về đâu
Nhiều người thường xuyên rơi vào tình cảnh cuối tháng phát hiện chiếc ví trống rỗng. Sau đó họ phải đau đầu tự hỏi mình đã tiêu những gì, để đến nỗi hết sạch tiền không tiết kiệm được xu nào như thế.
Hãy lập ngân sách cụ thể, bao gồm các khoản thu nhập và chi phí trong tháng để nắm rõ được điều gì đang xảy ra với số tiền mà bạn vất vả kiếm được. Lập ngân sách còn giúp bạn tìm thấy những khoản chi lãng phí, từ đó cắt giảm để tiết kiệm thêm tiền.
7. Mua nhà mà không xem xét kỹ các chi phí
Để sở hữu được một ngôi nhà, ngoài khoản vay thế chấp cần phải trả hàng tháng, thực tế có không ít chi phí khác bạn cần xác định rõ ràng trước khi mua.
Mọi người thường có xu hướng chỉ nhìn vào số tiền cần thanh toán cho khoản vay thế chấp, không xem xét đến các chi phí đi kèm như phí sửa chữa, bảo trì hoặc các hóa đơn tiện ích khác.
Hãy chắn rằng bạn đã tính đến các khoản tiền có thể phát sinh ấy trước khi quyết định mua nhà. Nếu không, chỉ một sự cố xảy ra làm bạn phải sửa bảo trì nhà ở cũng khiến ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
8. Chi tiền cho những thứ không thực sự sử dụng
Bên cạnh các mặt hàng giảm giá thường hấp dẫn người tiêu dùng, một số sản phẩm hứa hẹn giúp bạn tiết kiệm tiền hoặc hỗ trợ cuộc sống thoải mái hơn cũng thu hút sự chú ý của nhiều người. Vậy nhưng thực tế là nhiều khi bạn sẽ không sử dụng đến các món đồ đó, vô hình trung gây ra lãng phí tiền bạc.
Josh Elledge ở trang web tài chính cá nhân SavingsAngel nhận định: "Số tiền mà mọi người lãng phí vào những thứ họ không cần hoặc không sử dụng đến thật đáng kinh ngạc. Đó có thể là các khoản chi lớn như mua bảo hành mở rộng cho một sản phẩm đã được bảo hành, hay chi tiêu nhỏ như các mặt hàng ở siêu thị, tất cả đều làm nên sự lãng phí nghiêm trọng”.
9. Đầu tư số tiền mà bạn không đủ khả năng chịu đựng khi mất đi chúng
Đầu tư là một chiến lược thông minh để xây dựng sự giàu có nhưng lợi nhuận bao giờ cũng đi kèm với rủi ro.
Pauline Paquin, một blogger tài chính cá nhân cho biết: “Mọi khoản đầu tư đều có mức độ rủi ro và bạn phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất. Do đó đừng đầu tư số tiền sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến tài chính của bạn nếu chẳng may bị mất đi nó. Mọi sai lầm tài chính có thể dẫn đến hậu quả tai hại”.
Lời khuyên cho bạn là chỉ nên đầu tư số tiền nhàn rỗi, để chẳng may thua lỗ thì cuộc sống cũng không chịu ảnh hưởng lớn.