pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thầy cô giáo cần sát cánh cùng học sinh để xử lý mâu thuẫn trong trường học và trên môi trường mạng
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại buổi toạ đàm “Thầy cô bình dị phi thường”
Nằm trong Chiến dịch "It Takes a World - Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học" do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, "Người bình dị phi thường" là sáng kiến khích lệ và thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội để góp phần tạo nên môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương, nơi mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện.
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống thường ngày. Mọi người ở những lứa tuổi khác nhau đều phải đối mặt với mâu thuẫn, dưới nhiều hình thức. Riêng đối với trẻ em, do tuổi đời còn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm sống, sự dìu dắt của người lớn trong việc xử lý, ứng phó với các tình huống khó khăn, bao gồm cả mâu thuẫn, là vô cùng cần thiết. Sự kiện chính là dịp để các chuyên gia và khách mời cùng thảo luận vai trò đồng hành, dẫn dắt và gợi mở của thầy cô giáo trong việc hỗ trợ học sinh giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong trường học và trên môi trường mạng.
Mối quan hệ thầy trò: Sự tin tưởng bắt nguồn từ nhẫn nại, thấu hiểu
Từ xưa tới nay, khoảng cách tuổi tác, thế hệ vẫn luôn là rào cản khiến trẻ em khó cảm thấy thoải mái, tự tin trong việc chia sẻ những khó khăn mà các em gặp phải với người lớn, bao gồm cả thầy cô giáo.
Trước nhận định này, ThS. Phạm Thị Bích Hồng, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho biết: "Trẻ em luôn sợ bị đánh giá, phán xét khi mở lòng với người lớn để nói về những điều các em không tự tin. Đôi khi là do các em không muốn làm phiền thời gian bận rộn của người lớn. Nhưng cũng rất nhiều khi, sự e dè của các em bắt nguồn từ việc thiếu niềm tin vào khả năng thấu hiểu của người lớn, cũng bởi trong quá trình lớn lên, cụm từ 'chuyện trẻ con' đã trở nên quá quen thuộc với các em".
ThS Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam, chia sẻ: "Khi được nuôi dạy trong một môi trường mang tính răn đe cao, khi mọi lỗi lầm đều phải trả giá bằng một hình phạt nào đó, trẻ em sẽ có xu hướng sợ hãi mỗi khi phạm lỗi, từ đó dằn vặt bản thân, rồi tự tìm cách giải quyết, khiến cho khó khăn hay mâu thuẫn đều không được xử trí hiệu quả".
Để gỡ bỏ rào chắn này, thầy cô giáo cần rất linh hoạt và bao dung trong cách ứng xử của mình với học trò. "Bản thân thầy cô giáo cần thực hiện song song hai vai trò: vai trò truyền thụ kiến thức và vai trò đồng hành với học sinh trong mọi tiến trình cuộc sống. Chỉ khi đặt mình ngang hàng với học trò để lắng nghe không phán xét, thầy cô giáo mới thấu hiểu học trò hơn, từ đó dần dần trở thành người bạn lớn mà các em tin tưởng", PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận, chuyên gia về tâm, sinh lý trẻ em, phân tích.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng, nhận định: "Chỉ khi kiên nhẫn lắng nghe và mở lòng với những giãi bày của các em học sinh, thầy cô giáo mới có cơ hội nhìn thấy những khía cạnh mới mẻ, đáng yêu và cũng rất đỗi trong sáng của các em. Đây là nền tảng quan trọng để thầy cô tìm ra cho mình phương thức hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất, giúp các em không những giải quyết hiệu quả các khó khăn mà còn có thể phát huy tiềm năng của bản thân. Khi thầy cô giáo trở thành người bạn, "người quân sư" cho các em học sinh, chính thầy cô cũng trưởng thành hơn và tự trau dồi cho mình những kỹ năng quý báu".
Sự pha trộn tinh tế giữa cách tiếp cận truyền thống và hiện đại
Bên cạnh những trở ngại đến từ khoảng cách thế hệ, bối cảnh văn hoá, xã hội, công nghệ số với các nền tảng thông tin đa dạng cũng vô tình gây khó khăn cho sự kết nối hiệu quả giữa thầy cô và học sinh.
"Trong thời đại 4.0 ngày nay, khi thông tin có thể được dễ dàng tiếp cận từ các nguồn đa dạng, thầy cô giáo không còn là khởi nguồn duy nhất của tri thức nữa. Không chỉ có vậy, thầy cô nay cũng cần nỗ lực rất nhiều để duy trì vai trò định hướng và nuôi dưỡng mối quan hệ tin cậy với học trò. Lúc này đây, thầy cô nên là nhà tổ chức, truyền cảm hứng để học trò tự học và phát triển bản thân, xây dựng giá trị bền vững trong cuộc sống", PGS.TS. Trần Thành Nam phân tích.
Tuy hình thái của mâu thuẫn, bạo lực có thể do công nghệ thông tin mà trở nên đa dạng, khó nắm bắt hơn, việc hỗ trợ học sinh xử lý mâu thuẫn luôn bắt đầu từ những kỹ năng cơ bản mà thầy cô giáo bao lâu nay vẫn luôn rèn luyện.
ThS. Phạm Thị Bích Hồng nhấn mạnh: "Không quá khó để thầy cô giáo kịp thời nắm bắt được những khó khăn mà học trò của mình đang gặp phải, cho dù đó là trong trường lớp hay trên mạng Internet. Việc thực lòng quan tâm và chịu khó quan sát sẽ phần nào giúp các thầy cô cảm nhận thấy những thay đổi trong thái độ của học trò, bao gồm khả năng tập trung giảm sút, kết quả học tập dưới mức kỳ vọng, sức khoẻ tinh thần bị tác động rõ rệt".
Theo ThS. Phạm Thị Bích Hồng, sau khi nhận biết những thay đổi không mong muốn này nơi học trò, các thầy cô giáo có thể phối hợp với nhau để lên phương án hỗ trợ phù hợp và khéo léo nhất. Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng lưới học trò ở trong lớp để gián tiếp giúp đỡ, định hướng các học sinh đang trải qua mâu thuẫn, khó khăn cũng đã được chứng minh là tương đối hiệu quả.
Đồng tình với những quan điểm được ThS. Phạm Thị Bích Hồng chia sẻ, PGS.TS. Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của "vitamin tình thương" trong việc thu hẹp khoảng cách, tăng cường kết nối và nuôi dưỡng mối quan hệ tin tưởng bền chặt giữa thầy cô và học trò. Khi lòng tin được củng cố, vài trò đồng hành của thầy cô giáo với học trò trong mọi sự, bao gồm cả việc xử lý mâu thuẫn, sẽ trở nên tự nhiên và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, bên cạnh việc duy trì cách tiếp cận tích cực và nhân văn để thầy cô luôn là những người bạn lớn trong quá trình trưởng thành của trẻ em, việc trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức cần thiết để sử dụng các nguồn thông tin online một cách hiệu quả, an toàn là vô cùng quan trọng
Trước thực tế này, trong khuôn khổ Chương trình Bảo vệ Trẻ em, World Vision Việt Nam đã phối hợp với chính quyền, nhà trường, các ban ngành liên quan và gia đình để triển khai các hoạt động, thiết thực nhằm trang bị cho trẻ kỹ năng, kiến thức sử dụng Internet an toàn, đồng thời góp phần xây dựng môi trường lớp học không-bạo-lực, thân thiện và hợp tác, tạo không gian cho trẻ hình thành và nuôi dưỡng các giá trị, hành vi tích cực dựa trên tinh thần yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Toạ đàm trực tuyến "Thầy cô bình dị phi thường" đã khép lại chuỗi sự kiện trực tuyến với chủ đề "Người bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" do World Vision Việt Nam cùng Viện MSD đồng tổ chức. Chuỗi sự kiện đã thu hút sự quan tâm theo dõi và tham gia của đông đảo công chúng, với gần 700.000 lượt xem và khoảng 600.000 lượt tương tác. Trong thời gian tới, World Vision Việt Nam và Viện MSD sẽ tiếp tục đồng hành để cho ra mắt các nội dung ý nghĩa và bổ ích khác.
Toạ đàm "Thầy cô bình dị phi thường" có sự tham gia của các diễn giả:
PGS.TS. Trần Thành Nam – Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng
PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận – Chuyên gia Tâm-Sinh lý trẻ em
ThS. Phạm Thị Bích Hồng – Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
ThS. Phan Thị Kim Liên – Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam
Toạ đàm do cô Chu Thu Hà – Quản lý Truyền thông, Viện MSD điều phối.