pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thấy rõ những món hời khổng lồ từ mỗi tàu chở LNG tới châu Âu, Mỹ vẫn không thể tăng mạnh sản lượng xuất khẩu
Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy Mỹ xuất khẩu 6,25 triệu tấn LNG trong tháng trước, cao hơn một chút so với 6,16 triệu tấn của tháng 7. Tuy nhiên, con số này không cao như người ta kỳ vọng, nhất là khi Nga liên tiếp giảm công suất, thậm chí là đóng cửa đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tới châu Âu.
Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ một vụ nổ hồi tháng 6 tại Freeport LNG, nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn thứ 2 của Mỹ. Theo tính toán, sự cố với Freeport LNG khiến sản lượng khí hóa lỏng xuất khẩu của Mỹ giảm 4 chuyến hàng, tương đương 1,6 triệu tấn. Hồi tuần trước, công ty này đã trì hoãn việc khởi động nhà máy ở Quintana, Texas nhằm đạt sản lượng lên 85% của 15 triệu tấn/năm vào cuối tháng 11.
Vấn đề với khả năng xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ đã góp phần gây ra tình trạng tăng giá trên toàn cầu, nhất là khi hệ thống dẫn khí của Nga tới châu Âu đã bị đình trệ từ 31/8. Giá LNG bán tại Hà Lan trong tuần trước là 77 USD/ triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), tăng gấp đôi so với giá của tháng 2.
Theo dữ liệu thống kê, sản lượng LNG của Mỹ tới châu Âu, châu Mỹ - Latinh và Caribe đều giảm trong tháng 8. Doanh số bán hàng ở châu Á nhích lên cao hơn trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh tại Hàn Quốc và Nhật bản. Điều này cũng đã đẩy giá LNG giao ngay tại châu Á tăng lên kỷ lục vào tuần trước.
Đơn vị nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho biết tại châu Âu, thị trường khí đốt những ngày gần đây đã "thở phào nhẹ nhõm" sau khi gia tăng sản lượng mua LNG và khí đốt qua đường ống (ám chỉ gia tăng sản lượng khí đốt dự trữ). Châu Âu đang vô cùng nỗ lực trong bối cảnh không còn nguồn cung khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, những cố gắng của châu Âu đang gặp thách thức lớn, nhất là khi Mỹ đã không thể gia tăng sản lượng LNG như nhũng người mua mong muốn. Trong khi đó, Moscow chưa thông báo ngày mở lại hệ thống dẫn khí tới châu Âu. Trước đó, 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) đã ban bố cái gọi là giá trần với năng lượng Nga. Điều này khiến Nga có lý do để ngừng cấp khí.
Dẫu vậy, Mỹ hiện vẫn là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, sản lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ tăng cùng với giá và nhu cầu cao, đặc biệt là từ châu Âu, đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Trước đó, việc các quốc gia tìm cách đa dạng nguồn cung khí đốt và giảm sử dụng than cũng khiến LNG trở thành hàng hot. Dẫu vậy, việc xây dựng các cơ sở sản xuất LNG mới có thể sẽ phải mất tới vài năm, khiến cho việc gia tăng năng lực xuất khẩu của Mỹ gặp những hạn chế.