Thế lực ngầm ở các mỏ vàng Bờ Biển Ngà

12/03/2016 - 07:00
Ẩn mình trong các đồn điền ca cao ở phía Tây Bờ Biển Ngà là một khu vực khai thác vàng không bao giờ tồn tại trên bất kỳ bản đồ nào. Nó được điều hành bởi một công ty khai khoáng công nghiệp nhưng không đóng bất kỳ đồng thuế nào cho Chính phủ.
 Nhiều phụ nữ làm việc tại các mỏ vàng "chui".

Cách100 mét bên ngoài ngôi làng Gamina, một  đường hào sâu chạy loằng ngoằng qua những cánh đồng. Hàng ngàn người đàn ông đang hì hục đào bới dưới sự giám sát của những binh sĩ từ những tháp quan sát trên cao.

Hai năm trước, một nông dân trồng cao su ở đây phát hiện ra một mạch quặng vàng. Hôm nay, nơi đây bị bao phủ bởi một hệ thống các hầm, hào rộng khoảng 180 ha. Khu mỏ sử dụng gần 16.000 lao động và sản xuất ra lượng vàng có giá trị gần 97 triệu USD/năm.

Người lao động đổ xô tới Gamina ngày càng nhiều và cảm thấy may mắn khi có thể kiếm được 430 USD chỉ trong một vài tuần bằng số tiền họ đã vất vả phơi nắng phơi mưa làm việc trong đồn điền ca cao cả năm. “Ở đây đó là công việc duy nhất. Đó là cuộc sống của một con chó dưới tán cây ca cao”, Adama Bamba, một thợ mỏ 26 tuổi cười chua chát.

Phần lớn, những mỏ vàng ở đây được khai thác thủ công nên người thợ mỏ luôn phải đối diện  với những hiểm nguy hàng ngày. Thợ mỏ và dân địa phương cho biết đã có hàng chục thi thể, những nạn nhân thường xuyên của những vụ sập hầm, bị chôn vùi ngay dưới những gốc cây cà phê gần đó. Những nạn nhân khác bị bỏ lại dưới những lớp đất đá của căn hầm bị sập, một số bị mất xác trong lòng đất sâu 60 mét.

 

 

Theo các nhà điều tra của Liên hợp quốc, ông chủ thực sự của khu mỏ vàng trái phép này là một lãnh đạo cấp cao trong lực lượng cảnh sát - trung tá Issiaka Ouattara - hay thường được gọi ngắn gọn là Wattao. Wattao vốn là một trong những nhân vật chóp bu trong mạng lưới các quan chức cao cấp của lực lượng phiến quân nổi dậy, sau đó đã gia nhập vào quân đội Chính phủ Bờ Biển Ngà. Với thế lực của mình, ông đã thâu tóm quyền kiểm soát tất cả các mỏ vàng sinh lợi hàng chục triệu đô la mỗi năm.

Qua phỏng vấn giới quân sự, ngoại giao, chính quyền địa phương, các nhà phân tích và các thợ mỏ... tất cả đều tiết lộ rằng, mạng lưới cựu phiến quân vẫn tiếp tục sử dụng những chiến binh trung thành dưới sự kiểm soát độc đoán của họ.

Theo tài liệu mật của Liên hợp quốc, cựu chỉ huy phiến quân này sở hữu một lượng vũ khí – từ tên lửa đất đối không đến hàng triệu viên đạn – đủ sức đương đầu với quân đội Chính phủ Bờ Biển Ngà. Một sĩ quan cao cấp của quân đội Bờ Biển Ngà cho biết, mạng lưới cựu phiến quân đại diện cho một lực lượng song song đang tồn tại ngay bên trong quân đội Chính phủ, đe dọa sự ổn định của đất nước, cho dù họ đã buông vũ khí quy thuận chính quyền.

 Nhiều mỏ vàng ở Bờ Biển Ngà do quan chức điều hành. 

Từ một hạ sĩ quan vào năm 1999, năm đầu tiên diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 12 năm, Wattao vươn lên trở thành một trong những lãnh đạo quyền lực nhất của Lực lượng mới - phong trào nổi dậy do cựu lãnh đạo sinh viên tên là Guilaume Soro khởi xướng.

Trong suốt 9 năm chiếm đóng ở phía Bắc, Lực lượng mới  đã chia đất nước làm hai miền, trong đó phiến quân chia lãnh thổ chiếm đóng của họ thành nhiều khu vực khác nhau. Mỗi khu vực có một lãnh đạo đứng đầu gọi là com’zone. Các com’zone, Wattao là một trong số đó, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh và kiếm tiền  đổ vào một quỹ gọi là La Centrale.

La Centrale bị giải tán sau khi kết thúc cuộc nội chiến năm 2011 và các lãnh đạo phiến quân đã sát nhập nó vào quân đội Chính phủ. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2013 của các nhà điều tra Liên hợp quốc, một số cựu com’zone đã dựa vào lợi thế khi gia nhập quân đội Chính phủ để mở rộng “các hoạt động kinh tế kiểu lãnh chúa”, bao gồm cả việc kiểm soát  khai thác vàng và kim cương, buôn lậu ca cao, bông, hạt điều và trốn thuế.

Một báo cáo mới nhất vừa công bố hồi tháng 4 vừa qua của Liên hợp quốc ước tính, các thợ mỏ tại Gamina có thể đào được hơn 11,5 kg vàng mỗi ngày. Lượng vàng khai thác ở đây đã “chiếm 13,8% lượng vàng khai thác hợp pháp hàng năm của cả nước”. Nếu giá vàng là 1210 USD mỗi ounce thì sản lượng hàng năm tại Gamina lên đến 96,8 triệu USD.

Lượng vàng khai thác hợp pháp tại Bờ Biển Ngà ít hơn một nửa so với nước làng giềng Mali và bằng khoảng 1/5  so với Ghana. Do vậy, Chính phủ  muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp khai khoáng.

 

 

Khu vực mỏ vàng Gamina, ngoài ông chủ lớn Wattao còn có rất nhiều mỏ quy mô nhỏ của các ông chủ mỏ khác hoạt động, tuy nhiên vẫn dưới quyền kiểm soát của Wattao. Những ông chủ nhỏ chỉ bán được 740 USD mỗi ounce vàng, bằng khoảng 60% giá vàng hiện tại. Ngoài ra, họ còn phải trả phí bảo kê cho Wattao hơn 1,7 triệu USD mỗi năm.

Các nhà điều tra của Liên hợp quốc cho biết, tất cả những chủ mỏ nhỏ đều phải bán vàng độc quyền cho Wattao và 3 đối tác khác. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, từ những người thợ đã từng làm việc trong các mỏ tại đây đến những người đã quen thuộc với các hoạt động buôn bán vàng đều xác nhận, việc này hoàn toàn đúng. Những đối tác khác đó là “các chính trị gia có thế lực liên quan đến chính quyền đương thời hay trong quá khứ dưới thời của Burkina Faso”.

Đầu năm ngoái, một chủ mỏ không hợp tác với Wattao và tìm cách thiết lập một văn phòng để mua vàng từ nguồn khác với giá hời hơn. Ông này đã bị giết ngay sau đó. Wattao đã phủ nhận việc dính líu đến cái chết của ông này: “Tôi không bao giờ làm như vậy”.

Bộ trưởng Bộ khai khoáng Jean – Claude Brou từ chối bình luận về sự việc nhưng trước đó đã nói rằng, khai thác tận thu vàng không xin phép hiện nay là hợp pháp tại Bờ Biển Ngà. Một quan chức cấp cao của Bộ này đã xác nhận điều này và một trong những chủ mỏ tự phát cho biết, anh cũng đã gửi giấy đăng ký khai thác nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Chính phủ.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm