Thêm nhiều nước rút khỏi hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc

21/11/2018 - 09:17
Israel và Ba Lan là hai quốc gia tiếp theo rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc trước khi hiệp ước được thông qua lần cuối vào tháng 12 tới. Trước đó, Mỹ, Hungary, Áo và Cộng hòa Czech có quyết định tương tự.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng nước này không tham gia và không ký hiệp ước trên. Ông Netanyahu khẳng định sẽ bảo vệ biên giới trước người di cư bất hợp pháp. 

Trong khi đó, Chính phủ Ba Lan theo đường lối cánh hữu cũng ra tuyên bố không ủng hộ Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc vì cho rằng thỏa thuận này không đảm bảo an ninh quốc gia và có thể dẫn tới làn sóng di cư bất hợp pháp. Theo Ba Lan, văn kiện này đi ngược lại với các ưu tiên của Vácsava, bao gồm việc đảm bảo an ninh của công dân cũng như chính sách siết chặt dòng người di cư. Tuyên bố cũng nhấn mạnh Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc đã thất bại trong việc đảm bảo quyền chủ quyền của các nước. 

armen_martirosyan_1.jpg
Ảnh minh họa

 

Trước đó, Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc đã được 193 thành viên Liên hợp quốc ủng hộ, ngoại trừ Mỹ-quốc gia đã rút khỏi hiệp ước từ năm ngoái. Đây sẽ là văn kiện quốc tế đầu tiên về kiểm soát hoạt động di cư. Hiệp ước đề ra 23 mục tiêu để đảm bảo các hoạt động di cư hợp pháp, đồng thời quản lý tốt hơn dòng người di cư toàn cầu trong bối cảnh số người này đã lên tới 250 triệu, chiếm tới 3% dân số thế giới.

Các cuộc đàm phán về hiệp ước đã kéo dài suốt 18 tháng, vấp phải nhiều trở ngại xung quanh các biện pháp xử lý làn sóng di cư bất hợp pháp với việc một số chính phủ kiên quyết trả những người di cư không có giấy tờ phù hợp về nơi xuất xứ của họ. Dự kiến, hiệp ước sẽ chính thức được thông qua tại một hội nghị ở Maroc diễn ra từ ngày 10 đến 11/12 tới.

Hungary, Ba Lan và Czech luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu và tác động đến khu vực biên giới miền Nam của Hungary.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm