Theo chân mẹ và phải lòng nghề báo

Thanh Huyền - CTV
11/02/2020 - 10:04
Theo chân mẹ và phải lòng nghề báo
Bất chấp tuổi đời còn non trẻ, bất chất nghề báo vốn được xem là nghề nguy hiểm và nhiều áp lực, ngày càng có nhiều bạn nhỏ muốn dấn thân vào nghề. Không có trường lớp nào dạy, các em tự tìm tòi và học hỏi từ thực tế bằng tất cả đam mê và sáng tạo của mình.

"Tôi muốn là tổng biên tập"

Cô bé Alejandra Stack (14 tuổi, người Mỹ) biết đến báo chí nhờ người mẹ đơn thân là một nhà báo giỏi và yêu nghề. Trong những trường hợp cấp bách, mẹ không ngại mang con gái theo mình khi tác nghiệp. Những chuyến đi thực tế như thế này không chỉ giúp Alejandra gặp gỡ nhiều nhân vật trong giới truyền thông, mà còn khiến cô bé hiểu hơn về công việc hằng ngày của một nhà báo. Đôi khi Alejandra cũng được người lớn nhờ giúp đỡ cầm dù, micro hay một thứ gì đó khi họ tác nghiệp, em rất vui khi được góp phần công sức cho tác phẩm báo chí của họ. Nhận thấy rằng mẹ và các nhà báo khác ít khi quan tâm đến các câu chuyện về trẻ em, Alejandra nghĩ rằng mình cần làm việc đó.

Alejandra Stack và Tạp chí KidNewsMaker do em thực hiện

Alejandra Stack và tạp chí KidNewsMaker do em thực hiện

Alejandra bắt đầu những câu chuyện của mình về những đứa trẻ em gặp trên phim trường hoặc khi tham gia các hoạt động vì trẻ em. Sau gần 1 năm thu thập những câu chuyện về các nhân vật nhí, Alejandra nghĩ rằng đã đến lúc mình nên có những ấn phẩm báo chí cho riêng mình. Em đã thuyết phục mẹ làm biên tập viên cho mình. Alejandra tâm sự: "Tôi muốn là tổng biên tập vì tôi sẽ hiểu rõ những gì trẻ em quan tâm hơn là mẹ". Tạp chí KidNewsMaker (Trẻ em làm báo) ra đời từ đó.

Dù mẹ Alejandra rất nhiệt tình ủng hộ nhưng để ấn phẩm báo chí có được sự đón nhận và ủng hộ của độc giả trong thời điểm này là không dễ dàng. Khi Alejandra đã nỗ lực hoàn thành trang tin điện tử (trang web) và ấn phẩm đầu tiên thì trang web chỉ có một số lượng độc giải nhất định rồi không tăng được nữa. Alejandra đã rất buồn bã, tuyệt vọng vì những cố gắng của mình không được như mong muốn. Lúc đó, em bắt đầu nản lòng và có ý muốn buông xuôi. Tuy nhiên, khi em định dừng lại và chú tâm vào công việc khác để quên đi thất bại của mình thì mẹ an ủi rằng: Tất cả những điều Alejandra cần làm lúc này là dừng lại và thư giãn một thời gian.

Tạp chí của Alejandra Stack nhận giải thưởng báo chí năm 2019

Tạp chí của Alejandra Stack nhận giải thưởng báo chí năm 2019

Sau đó không lâu, niềm vui của Alejandra vỡ òa khi thấy có rất nhiều độc giả cho em biết rằng họ đánh giá cao công việc em làm và khá hứng thú với các bài báo em viết. Như được tiếp thêm nghị lực, Alejandra đã nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người xem. Đến nay, trang web của em đã có hàng trăm lượt người theo dõi và có những bài lên tới 2.000 lượt chia sẻ. Ấn phẩm KidNewsMaker đã được đăng bán trên Amazon với giá 2,99 USD/bản.

Người lớn cần phải lắng nghe những gì trẻ em muốn nói

Năm ngoái, Christella Razanamalala (16 tuổi, người Madagascar) đã hoàn thành một phóng sự có nhan đề "Những nữ chiến binh" tái hiện bi kịch về các cuộc hôn nhân trẻ em. Christella nhớ lại: "Tôi đã quyết định làm đoạn phim này bởi vì ở quanh đây có rất nhiều cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên mang thai và chịu quá nhiều áp lực so với lứa tuổi của họ. Tôi đã thuyết phục họ vào vai chính trong phim để có thể tái hiện rõ nét và sâu sắc với những điều tôi cảm nhận được".

Christella Razanamalala chuẩn bị cho chương trình phát thanh hàng tuần

Christella Razanamalala chuẩn bị cho chương trình phát thanh hàng tuần

Tuy đoạn phim của Christella chỉ dài có 64 giây nhưng đã gây ấn tượng sâu sắc và đáng nhớ cho người xem. Đồng thời, phim cũng đã được đề cử tham gia vào cuộc thi dành cho các đoạn phim ngắn có thời lượng khoảng 1 phút do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ. Không lâu sau, Christella nhận được tin vui khi  bộ phim của em xếp thứ 3 chung cuộc. Đó là một vinh dự to lớn đối với Christella. Em được mời đến Amsterdam (Hà Lan) để nhận giải thưởng và tham gia 1 khóa học có liên quan đến báo chí. Sau khi trở về, Christella đã áp dụng những bài học của mình để tác nghiệp.

Trước khi đoạt giải cuộc thi trên, Christella là thành viên của Câu lạc bộ "Phóng viên nhỏ" do UNICEF hỗ trợ. Đây là Câu lạc bộ tự quản có khoảng 12 thành viên. Một số người hướng dẫn chỉ hỗ trợ để giúp các em có cái nhìn bao quát tốt nhất về những sự kiện trong tuần và tái hiện lại trong tác phẩm báo chí bằng cái nhìn sâu sắc. Hai lần 1 tuần, các bạn nhỏ sẽ gặp nhau ở Đài phát thanh LAFA, thảo luận về cách làm các tiểu phẩm radio ở các chủ đề khác nhau như dinh dưỡng, giáo dục, giữ gìn vệ sinh cơ thể, bảo vệ môi trường...  Bên cạnh đó, các nhà báo nhí còn đi tác nghiệp bên ngoài, quay phim, phỏng vấn các thành viên cộng đồng, quan chức địa phương. 

Christella Razanamalala và các bạn trong Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ ở Madagascar

Christella Razanamalala và các bạn trong Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ ở Madagascar

Christella Razanamalala được xem là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ này. Em chịu trách nhiệm biên tập và đọc tin phát sóng các nội dung Câu lạc bộ "Phóng viên nhỏ" thực hiện vào buổi trưa thứ 4 hàng tuần. Em chia sẻ: "Công việc này rất quan trọng đối với chúng tôi vì người lớn cần phải biết những gì chúng tôi muốn nói". Christella nói em sẽ trở thành một nhà báo chuyên nghiệp trong tương lai. Em muốn làm nhân chứng để ghi lại những gì xảy ra trên thế giới.

Nguồn: Forbes, kidnewsmaker.com
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm