Thi THPT Quốc gia 2019: Siết chặt khâu kỹ thuật, bám sát chương trình lớp 12

23/03/2019 - 07:00
Cùng với việc công bố lịch thi chính thức, Bộ GD&ĐT cũng vừa cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến quy trình quản lý thi theo hướng chặt chẽ hơn và định hướng ôn tập giai đoạn “nước rút” cho sĩ tử. Việc chọn nghề cũng là vấn đề được nhiều cha mẹ học sinh quan tâm khi kỳ thi đang đến rất gần.

Đề gói gọn trong chương trình THPT

Nội dung chính thuộc thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT quốc gia 2019 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành nhấn mạnh, kỳ thi THPT quốc gia năm nay vẫn nhằm mục đích dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, nội dung thi THPT quốc gia 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

hn5_0467.jpg
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2018 

Quy chế bổ sung một số điều liên quan tới giải pháp kỹ thuật trong các khâu tổ chức kỳ thi nhằm đảm bảo khách quan, kỷ cương kỳ thi. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của lực lượng tham gia kỳ thi, đặc biệt là các lãnh đạo hội đồng thi đến từ các trường ĐH, quy định chặt chẽ hơn các khâu niêm phong, giao nhận, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi, các khâu trong chấm thi, đặc biệt là chấm trắc nghiệm.

Cụ thể, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong tủ riêng biệt, có khóa và niêm phong. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, có ít nhất 01 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 01 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng.

Về công tác phòng ngừa gian lận thi cử, nhất là trong khâu chấm thi, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với chấm thi trắc nghiệm, toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm, bao gồm file ảnh quét bài thi trắc nghiệm sau này đã được mã hóa, chỉ có người có trách nhiệm mới mở và đọc được thông tin đó, không sửa được thông tin đó. Tất cả các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử.

Còn với môn thi tự luận (duy nhất môn Ngữ văn), sẽ chấm kiểm tra các bài thi tự luận cùng tiến độ với chấm vòng 1 vòng 2, với số lượng tối thiểu 5%. Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, việc lựa chọn các bài chấm kiểm tra là ngẫu nhiên, nhưng những bài thi điểm cao của hội đồng thi sẽ được chọn ra để chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm thi, nếu có gian lận có thể phát hiện sớm để xử lý.

Định hướng nghề theo xu thế ứng dụng, thực hành

Với cơ hội nghề nghiệp ngày càng khác biệt do tác động của công nghệ, không ít học sinh băn khoăn với việc nên lựa chọn những ngành học theo hướng ứng dụng thực hành, giảm tải lý thuyết. Về điều này, PGS.TS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thêm không chỉ các trường ĐH thiên về ứng dụng mới chú trọng thực hành, mà tất cả các trường ĐH bây giờ đều phải chú trọng thực hành, gắn đào tạo với hoạt động của các doanh nghiệp, thị trường lao động.

Một trong những biện pháp thực thi liên quan đến việc tăng dạy học ứng dụng, thực hành được trường ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng chính là “kiên quyết chống dạy chay” theo lời của ông Trần Văn Tớp. Ông cũng nhấn mạnh, với các ngành nghề như điện tử - viễn thông, vẫn là ngành hot trong tương lai, đặc biệt cơ hội này vẫn rộng mở cho các thí sinh nữ. “Tỷ lệ nữ sinh học tại trường là 23,7% và nhà trường đang mong muốn tỉ lệ này tăng lên. Bất cứ lĩnh vực nào nữ cũng có thể tham gia, chỉ cần có năng lực, kỹ năng tốt” – ông Tớp nhấn mạnh.

Đối với một số ngành kinh tế đang được cho là “nóng trở lại” và có xu hướng hình thành nhiều ngành học mới, GS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho hay, kinh tế đang là vấn đề nóng bỏng và liên quan chặt chẽ đến định hướng nghề nghiệp. Chọn ngành mới hay ngành truyền thống tùy thuộc vào sở thích, sở trường của từng người, khó có mẫu số chung để đưa ra lời khuyên xác đáng. “Điều này phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Việc chọn lựa chuyên ngành còn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện xét tuyển của từng trường” - GS Đinh Văn Sơn cho biết.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh. Trên tinh thần tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng cao, gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào.

“"Việc tuyển sinh của các trường ngày càng mở trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phần lớn lấy kết quả thi THPT quốc gia làm căn bản. Năm 2018, kết quả tuyển sinh tốt trên nhiều mặt do đó sự tham gia của các trường ĐH vào kỳ thi THPT quốc gia là nhiệm vụ chính trị nhưng cũng là quyền lợi của các trường” - ông Trinh cho hay.

Kết quả thi THPT Quốc gia 2019 công bố chậm hơn năm 2018. Theo Bộ GD&ĐT, năm nay việc công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ chậm hơn năm ngoái một vài ngày do quy trình chấm có thay đổi, thực hiện kỹ hơn. Bộ GD-&ĐT còn phải phân tích kết quả, thống kê trước khi công bố kết quả thi. Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng đến lịch tuyển sinh chung của các trường đại học. Theo lịch dự kiến trước đó của Bộ GD&ĐT, ngày 15/7 các sở GD&ĐT sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh yêu cầu bộ phận chấm bài thi trắc nghiệm phải phối hợp tốt với các sở để nhận toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi chậm nhất ngày 29/6, để sau khi tổ chức kỳ thi xong sẽ bắt tay ngay vào việc chấm thi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm