pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội: Mẹ cùng con tìm cách “ứng phó” với môn Lịch sử
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội luôn tạo nhiều áp lực cho các học sinh và phụ huynh. Ảnh minh họa
Đây là năm thứ 2, Lịch sử được chọn là môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội nên học sinh không quá bỡ ngỡ. Bởi 2 năm trước, Lịch sử chính là môn "gỡ điểm" cho lứa học sinh sinh năm 2004. Thế nhưng, vì là môn học thuộc, kiến thức rộng, các con lại chỉ có 2,5 tháng để ôn, thế nên nhiều phụ huynh "nháo nhào" hỏi tìm tài liệu, các lớp luyện thi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học Lịch sử cho con.
Có con trai học lớp 9, chị Phan Thu Lý (Đại Từ, Hà Nội) hơi lo khi con lười học thuộc. Thế nên, ngoài việc vào các diễn đàn phụ huynh để tìm hiểu thông tin, chị hỏi bạn bè có con thi Lịch sử 2 năm trước để tham khảo kinh nghiệm. "Với đứa con trai không tự giác học, chắc chắn tôi sẽ phải ngồi học cùng con. Tôi dự định mỗi ngày sẽ dành khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng để "ốp" con học Lịch sử. Kiến thức từ đầu năm đến giờ khá nhiều. Nếu không học, con sẽ mất điểm ở môn "gỡ điểm" này thì rất phí. Thế nhưng, tôi cũng đang chờ tài liệu, đề cương từ nhà trường để việc ôn của con có trọng tâm hơn", chị Lý chia sẻ.
Giống như chị Lý, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 ở Hà Nội cũng sẽ đồng hành cùng con trong kỳ thi rất áp lực, căng thẳng này. "Với môn Lịch sử, chỉ cần mỗi ngày con bỏ thời gian ra để học thuộc, để làm trắc nghiệm ở phần mềm máy tính như 2 năm trước thì tôi không quá lo lắng về kết quả thi của con. Nếu môn thi thứ 4 là Lý, Hóa, Sinh thì thực sự rất nhiều học sinh, phụ huynh "khóc ròng". 2,5 tháng không thể đủ thời gian để các con "chạy" kiến thức ở các môn tự nhiên "khó nhằn" này, chị Hoàng Anh Thư (phố Kim Mã, Hà Nội) chia sẻ.
Giáo viên gợi ý phương pháp học Lịch sử hiệu quả
Chia sẻ về cách học lịch sử với học sinh chuẩn bị thi vào 10, TS Lưu Thị Ngọc Tuyết (giảng viên trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh) cho biết, học sinh cần học theo từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử thông qua lập đề cương (gạch ý chính). Môn Lịch sử thi trắc nghiệm nên các em lưu ý kiến thức phổ rộng, không nên học thuộc, "học vẹt" mà cần học hiểu, biết cách ghi nhớ, nắm vững sự kiện, vấn đề cốt yếu. Đối với các trận đánh, chiến dịch, các em nên học thông qua chỉ sơ đồ, bản đồ trong sách giáo khoa (học sinh tự vẽ sau khi học).
Cô Ngọc Tuyết cũng lưu ý, sau khi học xong, các em nên hệ thống kiến thức thông qua sơ đồ tư duy (mindmap), nên kết hợp giải đề, luyện đề thường xuyên.
Nói về phương pháp học Lịch sử hiệu quả, cô giáo Trần Thị Mai Dung (giáo viên môn Lịch sử, trường THCS Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ), cho biết, học sinh không nên lựa chọn phương pháp học thuộc lòng mà thay vào đó, có thể sử dụng 2 cách học rất hiệu quả đó là sử dụng sơ đồ tư duy hoặc xem các video, bài giảng trên mạng.
Đối với phương pháp thứ nhất, học sinh có thể chia kiến thức thành các giai đoạn, chuyên đề rồi vẽ thành sơ đồ tư duy khác nhau, gọi là "cây kiến thức". Nên vẽ kiến thức căn bản, sau đó bổ sung thêm kiến thức, làm đầy cho "cây kiến thức". Cách học này đã và đang được rất nhiều học sinh áp dụng vì có ưu điểm là dễ nhớ, giúp nhớ lâu, không quên kiến thức.
Phương pháp thứ hai là xem các video, bài giảng của giáo viên trên mạng hoặc những thước phim tư liệu về Lịch sử. Khi học về các trận đánh, học sinh nên xem lược đồ để hình dung diễn biến của trận đánh đó. Phương pháp này sẽ giúp các em tái hiện lại kiến thức thay vì chỉ đọc tài liệu toàn chữ, con số khó nhớ.