pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thiết lập mạng lưới hỗ trợ trong công việc

Ảnh minh họa
Từ nhân viên mới đến người kết nối
Minh Anh là một nhân viên marketing đầy nhiệt huyết khi mới gia nhập công ty. Cô nhanh chóng nhận ra mình cần một "kim chỉ nam" để định hướng sự nghiệp trong môi trường mới. Vốn là người ngại giao tiếp, Minh Anh ban đầu khá rụt rè. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra chủ động là "chìa khóa". Thay vì chờ đợi, Minh Anh bắt đầu quan sát những đồng nghiệp mà cô ngưỡng mộ trong công ty. Cô chọn chị Thảo, trưởng phòng Phát triển sản phẩm, làm hình mẫu.
Minh Anh bắt đầu bằng việc tạo ra giá trị cho mối quan hệ. Cô thường xuyên chuẩn bị các câu hỏi cụ thể khi gặp chị Thảo: "Chị ơi, em đang gặp một chút khó khăn với chiến dịch X, chị có thể cho em lời khuyên về cách phân tích dữ liệu thị trường không ạ?"; hoặc "Em rất ấn tượng với bài thuyết trình của chị hôm trước, chị có bí quyết gì để giữ bình tĩnh và thu hút người nghe không ạ?"…
Minh Anh cũng chủ động giúp đỡ người khác khi có thể. Cô sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp phòng khác khi họ cần ý tưởng cho nội dung, hay chia sẻ những khóa học trực tuyến hữu ích mà cô tìm được. Cô còn thường xuyên gửi email cảm ơn những người đã giúp đỡ mình, dù chỉ là một lời khuyên ngắn gọn.
Minh Anh không ngừng học hỏi và thể hiện sự cầu tiến. Dần dần, chị Thảo trở thành người cố vấn thân thiết, không chỉ định hướng cho Minh Anh trong công việc mà còn chia sẻ những kinh nghiệm của mình về cân bằng cuộc sống. Từ đó, Minh Anh tự tin hơn trong việc mở rộng mạng lưới công việc, tham gia các buổi workshop, sự kiện của ngành và luôn để lại ấn tượng tốt đẹp bằng sự chân thành và tinh thần học hỏi của mình. Đến nay, cô không chỉ là một chuyên gia marketing giỏi mà còn là "cầu nối" giúp nhiều nhân viên mới hòa nhập.
Vượt qua rào cản thời gian
Thu Hằng là một mẹ bỉm sữa, vừa đi làm lại sau 2 năm nghỉ sinh. Cô từng là một quản lý cấp trung đầy tiềm năng, nhưng giờ đây, cô cảm thấy mình bị tụt hậu so với đồng nghiệp và gặp khó khăn khi cân bằng giữa công việc và chăm sóc con nhỏ. Thời gian eo hẹp khiến cô không thể tham gia các buổi tụ tập sau giờ làm việc hay các sự kiện kết nối mạng lưới. Áp lực khiến Thu Hằng đôi lúc cảm thấy cô đơn trong hành trình hòa nhập với môi trường làm việc mới. Tuy nhiên, cô nhận ra rằng mình không phải là người duy nhất gặp khó khăn này.
Thay vì cố gắng tham gia những hoạt động không phù hợp với quỹ thời gian, Thu Hằng tập trung vào việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ trực tuyến, trong cộng đồng những người cùng hoàn cảnh. Cô tham gia các nhóm kín trên Facebook dành cho "Phụ nữ làm kinh tế", "Mẹ bỉm sữa thành đạt", nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và đưa ra lời khuyên. Cô cũng chủ động tìm kiếm các buổi hội thảo trực tuyến dành cho phụ nữ, đặc biệt là những chương trình có thể tham gia vào buổi tối hoặc cuối tuần. Tại đó, cô kết nối với những người phụ nữ có hoàn cảnh tương tự, cùng chia sẻ áp lực và tìm ra giải pháp.
Đặc biệt, Thu Hằng rất chú trọng việc duy trì liên lạc. Cô thường xuyên tương tác trên các nhóm "chat", gửi tin nhắn động viên khi ai đó gặp khó khăn hoặc chia sẻ những bài viết hữu ích. Cô cũng học cách kể câu chuyện của mình - những khó khăn khi quay lại công việc, những mẹo nhỏ để cân bằng cuộc sống. Điều này giúp cô nhận được sự đồng cảm và mở ra những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Nhờ mạng lưới này, Thu Hằng không chỉ tìm lại sự tự tin mà còn nhận được lời giới thiệu cho một dự án freelance phù hợp với lịch trình của cô.
Theo các chuyên gia, để xây dựng mạng lưới hỗ trợ, bạn cần:
- Chủ động và mạnh dạn: Đừng chờ đợi cơ hội đến, hãy tạo ra nó.
- Tạo ra giá trị cho mối quan hệ: Tạo lập mạng lưới xã hội không phải là xin xỏ, mà là cho đi và nhận lại.
- Tận dụng mọi kênh kết nối: Từ trực tiếp đến trực tuyến, từ công sở đến các cộng đồng chuyên môn.
- Chân thành và kiên trì: Việc xây dựng mối quan hệ cần thời gian và sự đầu tư cảm xúc.
- Biến điểm yếu thành điểm mạnh: Nếu bạn hướng nội, hãy tìm cách kết nối qua nội dung chuyên môn hoặc những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn.