pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thiếu kỹ năng lao động, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khó kiếm việc làm như ý
Nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số phải chọn những công việc nặng nhọc ở công trường xây dựng vì không đáp ứng được chuyên môn ở các nhà máy, xí nghiệp
Chị Lò Thị Dinh, ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, về Hưng Yên kiếm việc làm nhưng đây là lần đầu tiên chị rời quê đi làm xa, mọi thứ với chị đều rất lạ lẫm, từ môi trường sống đến công việc, chị đều chưa quen. Vì thế, chị rất khó xin vào làm công nhân ở các cơ sở sản xuất cần có kỹ năng, kinh nghiệm. Sau cả tuần tìm việc, cuối cùng chị đành chọn làm công nhân trang trại trồng cây xanh ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, với mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung ở Hưng Yên thì đây là mức lương khá thấp.
Chị Dinh chia sẻ: “Trước khi xuống đây, tôi cũng nhờ bạn bè tìm việc làm hộ mình nhưng khi đến phỏng vấn thì cái gì mình cũng chưa biết. Vì ở quê mình chỉ quen làm ruộng nương, rảnh thì đi làm phụ xây, nên không xin vào nhà máy làm công nhân được, đành phải đi làm ở trang trại. Tôi cũng mong là khi làm tốt sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, để tìm được những công việc có thu nhập cao hơn chút”.
Còn chị Quàng Thị Miền, ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, vào làm việc ở một trang trại chăn nuôi dê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Song, đây không phải là công việc mà chị mong muốn làm khi rời quê đi làm xa nhà. Thế nhưng, sau khi thử việc ở mấy cơ sở may mặc, chị đều không đáp ứng được, chủ cơ sở đều cho chị nghỉ việc sau một thời gian ngắn.
Chị Miền cho biết: “Đi làm xa, ai cũng mong có công việc tốt, nhất là được làm công nhân ở các nhà máy xí nghiệp, vừa vui mà lại có thu nhập cao hơn, có thể tăng ca sản xuất, có ngày nghỉ. Nhưng do không quen việc, làm mãi cũng không được nên mình phải đi làm chăn nuôi dê. Dù sao có việc làm cũng là tốt rồi, vì ở quê thì cứ xong mùa vụ là lại thiếu việc làm, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn”.
Câu chuyện khó lựa chọn việc làm vì thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm đối với chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số hiện nay đang khá phổ biến, nhiều chị em phụ nữ ở Tây Bắc về các tỉnh/thành miền xuôi kiếm việc làm, họ thường phải chọn những công việc nặng nhọc như làm nông nghiệp, làm xây dựng nhưng mức thu nhập lại không được cao.
Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ thầu xây dựng ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên, chia sẻ: “Hiện nay, trong đội xây dựng của tôi có hơn 10 chị em là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang... Đối với công việc xây dựng thì chị em phụ nữ đi làm là khá nặng nhọc vất vả. Thế nhưng họ lại ưng công việc này, bởi bản thân họ rất khó lựa chọn các công việc nhẹ nhàng hơn, vì những công việc đó đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất tốt thì mới đáp ứng được".
Thời gian qua, các địa phương thường xuyên tổ chức những chương trình đào tạo nghề cho người dân vùng cao, trong đó có chị em phụ nữ. Thế nhưng, những nội dung đào tạo này đôi khi lại chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của thị trường việc làm. Thực tế đó khiến cho một số chị em dù đã qua đào tạo nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Khiên, quản đốc một phân xưởng may ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên), cho biết: “Thường thì những nữ công nhân ở các tỉnh miền núi xuống làm việc ở phân xưởng chúng tôi đều phải trải qua thời gian đào tạo để chị em quen công việc, có kỹ năng lao động sản xuất. Thế nhưng không phải ai cũng theo được, mà những người sau khi đào tạo vẫn không đáp ứng được thì đành phải loại họ, để họ đi tìm công việc khác phù hợp hơn”.
Những năm qua, Bộ Lao động và Thương binh xã hội đã triển khai các chương trình đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, thế nhưng để thực sự hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ ngoài việc tuyên truyền phổ biến cho người lao động hưởng ứng, tập trung học nghề thì chính bản thân người lao động phải thực sự tâm huyết với nghề mình được học, được đào tạo, dần dần nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm. Từ đó mới có thể tìm được những công việc tốt, có thu nhập tốt, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.