pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Bình: Phụ nữ người Chứt mong được đào tạo nghề để có thu nhập ổn định
Một phụ nữ người Chứt đi kiếm củi trên rừng về
Nhiều phong tục lạc hậu được bài trừ
Bản Lương Năng, xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chỉ cách nước bạn Lào một quả đồi, toàn bộ dân trong bản đều là người đồng bào dân tộc Chứt. Những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân nơi đây thay đổi đáng kể, đường dẫn vào bản đã được phủ bằng bê tông.
Nghe tin có nhà báo đến tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của người đồng bào Chứt, già làng Cao Văn Thình (75 tuổi, bản Lương Năng) rất mừng, ông bước như tụt từ trên cầu thang xuống đất rồi hồ hởi: "Người Chứt bây giờ khác xưa rồi, bà con bữa ni không còn thiếu đói nữa mô mà đã biết chăn nuôi, biết dựa vào rừng để kiếm ăn rồi. Con nít trong bản đều được đi học, nhiều đứa giờ còn nói tiếng Anh như gió".
Vừa pha ấm trà, ông Thình vừa kể, trước kia khi có khách đến chơi thì người Chứt sẽ mời uống rượu, mỗi ngày chỉ cần vài người đến chơi là chủ nhà say cả ngày, không làm ăn được gì. Mãi sau này mới nhận thức được việc uống rượu không tốt cho sức khỏe nên đã "học theo" người Kinh tiếp khách bằng trà, uống xong vẫn đi làm việc bình thường.
Theo ông Thình, khoảng 20 năm về trước phụ nữ nơi đây vẫn bị đè nặng bởi một số phong tục tập quán lạc hậu, nhưng hiện tại thì mọi người đều bình đẳng rồi, không còn rào cản nào đối với phụ nữ.
"Trước đây, phụ nữ vừa phải lên rừng kiếm sống vừa phải gánh vác việc nhà và chăm sóc con cái, còn đàn ông không làm gì ngoài việc uống rượu. Phụ nữ chỉ được sinh con tại nhà, sau khi sinh thì phải ở trong bếp suốt 3 tháng, không được ăn cơm, ăn thịt mà chỉ ăn sắn, khoai và rau rừng. Đây là phong tục từ thời xa xưa để lại, tôi cũng không biết lý do vì sao lại phải làm vậy nữa", ông Thình cho hay.
Từ khi những phong tục lạc hậu bị xóa bỏ, đời sống của người dân tộc Chứt nơi đây đã đi lên trông thấy, nhiều gia đình trong bản đã có xe máy, điện thoại. Mọi việc trong gia đình, các cặp vợ chồng đều san sẻ, giúp đỡ nhau, không phân biệt việc của nam hay của nữ.
Mong được đào tạo nghề để ổn định cuộc sống
Người dân tộc Chứt ở bản Lương Năng không có nghề truyền thống, những năm qua họ chủ yếu sống dựa vào rừng, đàn ông đi săn bắt, còn phụ nữ đi hái rau, măng hoặc kiếm củi đem bán. Cuộc sống của họ tuy đã đủ ăn, đủ mặc, nhưng vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung ở huyện Minh Hóa.
Chị Cao Thị Xuân, Chi hội trưởng phụ nữ bản Lương Năng, cho biết, qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phụ nữ trong bản, đa số mọi người đều mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đào tạo một nghề gì đó cho chị em.
"Chúng tôi mong muốn có một nghề gì đó để làm, với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng để ổn định cuộc sống. Chứ hàng ngày vào rừng từ 6h sáng đến chiều muộn mới kiếm được tải măng, mang đi bán được khoảng 100 nghìn đồng, số tiền này chỉ đủ để gia đình ăn uống. Hôm nào mệt hay ốm không đi rừng được thì cả nhà đành chấp nhận đói", chị Xuân cho hay.
Công việc hái măng rừng tuy vất vả là thế, nhưng khi mang bán còn vất vả hơn, người dân phải đi hơn 30km sang xã khác mới có chợ để bày bán, vì xã Hóa Sơn không có chợ nào. Nhiều hôm xe máy hết xăng, người dân đành phải ăn măng trừ bữa.
Bà Cao Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Hóa Sơn, cho biết, toàn xã có 428 hộ với 1.850 nhân khẩu, trong đó đa số là đồng bào Chứt sinh sống. Kinh tế chủ lực của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ có 2ha lúa nước, còn lại là đất màu trồng lạc và ngô. Với địa hình chủ yếu là đồi núi nên sản xuất nông nghiệp thuần túy với cây lạc và ngô đã không thể giúp người dân Hóa Sơn có cuộc sống ổn định.
Dân tộc Chứt là một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam. Địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào Chứt là ở Quảng Bình (85%) và một phần ở các tỉnh Hà Tĩnh, Đăk Lăk và Lâm Đồng. Người Chứt còn có tên gọi khác là: Rục, A Rem, Sách...
Theo số liệu điều tra về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được công bố năm 2020, tổng dân số của người Chứt là 7.500 người. Đáng chú ý, tỷ lệ tảo hôn ở dân tộc này chiếm 32%. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%, hộ cận nghèo chiếm 29%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 5%.