Thiếu nữ Hà Nhì bước qua hủ tục “ngủ gác chuồng trâu”

Hoàng Sa
27/08/2023 - 21:15
Thiếu nữ Hà Nhì bước qua hủ tục “ngủ gác chuồng trâu”

Thiếu nữ Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai

Hủ tục ngủ gác chuồng trâu một thời là nỗi ám ảnh ở vùng người Hà Nhì cư trú. Ngày nay, thiếu nữ Hà Nhì đã hòa nhập vào môi trường xã hội phát triển, họ đã bước qua những hủ tục lạc hậu.

Hủ tục thiếu nữ ngủ ngoài đầy ám ảnh

Xưa kia, theo tập tục của người Hà Nhì khi con gái đến lứa tuổi 14 trở lên, thường ra ngủ bên ngoài nhà, để tự do tìm hiểu, yêu đương với nhau.

Điều đáng nói, nơi ngủ của các thiếu nữ Hà Nhì khi ấy, chính là những gác chuồng trâu, chuồng bò của gia đình. Tối đến, các chàng trai đến tìm hiểu tác tỉnh các cô gái, họ sẽ cùng nhau lên gác mái chuồng trâu, chuồng bò tâm sự với nhau. 

Theo hủ tục lạc hậu xưa kia, thì gác mái chuồng trâu, chuồng bò là nơi ngủ của thiếu nữ người Hà Nhì khi đến tuổi cập kê 

Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, người có nhiều năm nghiên cứu về người Hà Nhì, cho biết: "Xưa kia hiện tượng thiếu nữ đến tuổi 14, 15 tuổi trở lên, thường ra ngủ ở ngoài nhà, họ thường ngủ trên các mái gác chuồng trâu, chuồng bò, vì ở đó là nơi chứa cỏ, chứa củi. Các thanh niên đến tìm hiểu sẽ lên gác mái đó tâm sự với các cô gái. Nếu thích nhau, hợp nhau, thì có thể đi đến hôn nhân. Chính sự tự do theo kiểu hủ tục ấy đã dẫn đến nạn tảo hôn khá phổ biến ở vùng người Hà Nhì. Vì khi ấy, theo quan niệm của cộng đồng người Hà Nhì cho rằng đó là việc bình thường, nên nó đã trở thành một hủ tục ăn sâu trong quan niệm của họ". 

Thiếu nữ Hà Nhì bước qua hủ tục “ngủ gác chuồng trâu” - Ảnh 2.

Phụ nữ Hà Nhì tự tin tiếp cận với công nghệ hiện đại

Bà Lý Xúy Lù, ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Ngày xưa thì ai cũng thế nên thấy nó không có gì sai, nhưng bây giờ thấy sai mà mất vệ sinh. Con gái lớn lên bố mẹ cũng không cho ra ngoài nhà ngủ, bắt ngủ ở nhà để đảm bảo sức khỏe, và quản lý con cái, không còn cháu nào đi ngủ chuồng trâu đâu".

Xóa bỏ hủ tục ngủ ngoài nhà

Bà Sần Thó Mơ, Chủ tịch Hội LHPN xã Y Tý, kể: "Xưa kia thì đúng là có hủ tục ấy, và nó khá phổ biến. Nhưng sau này chính quyền vận động mạnh, người dân đã dần bỏ đi hủ tục này, vì nó vừa mất vệ sinh, vừa dẫn đến nạn tảo hôn trong làng bản. Đến nay thì chị em cũng có hiểu biết xã hội, nên không ai còn có ý nghĩ về những hủ tục đấy".

Ngày nay thiếu nữ người Hà Nhì có nhận thức xã hội cao hơn, họ tự tin bước qua những hủ tục lạc hậu để hòa nhập với môi trường xã hội

Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Văn hóa cơ sở và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, cho biết: "Ngày xưa hủ tục ngủ gác chuồng trâu ở phụ nữ người Hà Nhì khá phổ biến, dẫn đến tình trạng tảo hôn tràn lan. Sau đấy chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, để xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mất vệ sinh ấy. Nhờ đó, mà từ hơn chục năm nay, chị em đã bước qua hủ tục ngủ ngoài nhà. Đến nay, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào người Hà Nhì, ở huyện Bát Xát đã không còn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn thường xuyên tuyên truyền phổ biến, để chị em phụ nữ vượt khỏi những hủ tục, những định kiến lạc hậu, để hướng đến những giá trị, chuẩn mực phù hợp với đời sống xã hội hiện nay".

Câu chuyện hủ tục ngủ gác mái chuồng trâu, chuồng bò ở vùng người Hà Nhì đã lùi vào dĩ vãng, ngày nay làng bản, đường xá ở vùng người Hà Nhì đã khang trang sạch đẹp hơn xưa, đời sống tinh thần cũng được nâng cao, nhiều hủ tục lạc hậu đã bị xóa bỏ, trong đó có tục ngủ gác mái chuồng trâu. 

Thiếu nữ Hà Nhì bước qua hủ tục “ngủ gác chuồng trâu” - Ảnh 4.

Cộng đồng người Hà Nhì ngày nay đề cao bình đẳng giới, xóa bỏ những định kiến lạc hậu

Bà Dương Thị Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách, Luật pháp, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, cho hay: Phụ nữ người Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai xưa kia thường cam chịu số phận, trong cuộc sống lao động sản xuất họ khá vất vả, nhưng không bao giờ than vãn, luôn âm thầm chấp nhận. Nhưng sau này, các cơ quan đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng người Hà Nhì, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nên cũng giúp họ thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Thêm nữa là sau này chị em phụ nữ cũng giao tiếp với xã hội nhiều hơn, nhiều rào cản hạn chế bị phá bỏ, nên bây giờ chị em không còn lối sống cam chịu số phận như xưa nữa. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm