Thịt trong nước 'liêu xiêu' với tiêu chuẩn an toàn

24/07/2018 - 21:54
Người nông dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP “bí” đầu ra do chưa kết nối được với các kênh tiêu thụ bền vững. Trong khi đó, thịt nhập khẩu vào Việt Nam lại có giá rẻ hơn cả thịt trong nước.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 5/2018, Việt Nam nhập khẩu 29.700 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt. Thịt nhập khẩu đã tăng 50% về lượng và 39% về giá trị so với tháng trước đó. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt lớn nhất cho Việt Nam.
 
Điều đáng nói là trong tháng 5, giá thịt lợn và thịt trâu, bò nhập khẩu đã giảm mạnh. Cụ thể, giá thịt lợn nhập khẩu trung bình tương đương 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, giá thịt lợn hơi đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 4. Hiện giá lợn hơi đang ở mức 45 - 50.000 đồng/kg, cao hơn giá thịt nhập khẩu.
 
Ngoài ra, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, các loại thịt gà nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng chỉ có giá bình quân khoảng 0,88 USD/kg (tương đương 20.000 đồng/kg). Các loại thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc.
3.jpg
Ảnh minh họa

 

Lí giải về việc nhiều loại thịt nhập khẩu có giá rẻ hơn trong nước, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho rằng: Thịt bò nhập khẩu về Việt Nam từ Mỹ, Úc... có giá rẻ hơn so với thịt bò trong nước là bởi có những loại thịt thị trường Việt Nam ưa chuộng nhưng thị trường nước ngoài không chuộng, thịt bò là loại thịt đỏ không được tiêu thụ nhiều ở nước ngoài.
 
Được biết, về chủng loại, thịt bò Mỹ nhập vào Việt Nam thường là thịt bắp bò, than, gầy, dẻ sườn, bắp hoa, lõi vai... Tương tự, thịt bò Úc nhập vào Việt Nam phổ biến là thịt bắp, vai, đùi.
 
Còn giá đùi gà nhập khẩu rẻ là do Mỹ và một số nước trên thế giới chỉ ăn ức gà, nên đây là bộ phận có giá đắt nhất. Trong khi các sản phẩm như cổ, cánh, chân, đùi, lòng mề gà... thì người tiêu dùng các nước này ít ăn hơn. Do vậy họ bán những sản phẩm này với giá rẻ sang các nước châu Á bao gồm Việt Nam.
 
Người tiêu dùng chưa tin vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm Việt Nam
Trước tình trạng này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cho rằng, thịt ngoại đang vào Việt Nam rất rẻ trong khi người Việt Nam giờ mới đang chập chững làm tiêu chuẩn an toàn thì vừa tốn kém chi phí vừa tốn thời gian. Vì thế, bà Hạnh cho rằng, các doanh nghiệp Việt và nông dân Việt cần có sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng thì mới có thể giữ được thị phần thịt sạch, an toàn tại thị trường trong nước.
 
Hiện việc kết nối thương mại để tiêu thụ sản phẩm VietGAP vẫn còn nhiều trắc trở. Sản phẩm làm ra nhưng chưa được kết nối với các kênh tiêu thụ vững chắc, chủ yếu vẫn phải bán qua thương lái, thậm chí phải bỏ mối cho các chợ truyền thống và giá ngang với sản phẩm thông thường, hoặc cao hơn không đáng kể.
 
Bà Trần Thị Hoài Nga, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát (Đắk Lắk) cho biết, heo của trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap nhưng chỉ có 30-40% số heo của trang trại là bán theo giá sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP, còn lại thì phải xuất bán bằng giá heo bình thường.
 
Tại hội thảo “Chuỗi giá trị rau củ quả an toàn thực phẩm” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đa số người tiêu dùng hiện nay vẫn còn chưa tin tưởng vào sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vì họ chưa hiểu nhiều về quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn.
 
Bên cạnh đó, người tiêu dùng, một số đơn vị kinh doanh và các bếp ăn tập thể thích lựa chọn sản phẩm sản xuất theo cách thông thường vì giá thành rẻ hơn, tiêu thụ dễ hơn và có lãi nhiều hơn.
 
Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam chưa có tiềm tin vào các sản phẩm được gắn mác tiêu chuẩn an toàn tại Việt Nam bởi việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở Việt Nam mới làm được một phần nhỏ. Có rất nhiều sản phẩm đến từ những địa chỉ sản xuất an toàn nhưng người tiêu dùng không thể kiểm chứng.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nếu không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm thì tất cả đều thua thiệt, không biết đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm không sản xuất theo đúng quy trình. Khi truy xuất được nguồn gốc thì giá trị thực phẩm mới nâng lên và người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có thêm được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm