Thoát ra từ địa ngục của 'ác quỷ loạn luân'

24/03/2016 - 11:52
Vụ án loạn luân của Josef Fritzl tại thị trấn Amstetten, Áo đã qua hơn 7 năm, nhưng nỗi ám ảnh của nó vẫn còn đeo bám mãi theo thời gian.

Trong một ngôi làng hẻo lánh ở nước Áo, bà Elisabeth sống với 6 người con, kín đáo và cách xa báo giới. Các con bà có vẻ hoàn toàn bình thường, như mọi đứa trẻ khác: Kerstin thích âm nhạc và thời trang, có bạn trai. Stefen mơ thành thuyền trưởng. Felix đi học ở trường, nơi chẳng ai biết gì về quá khứ của cậu. Monika vào đại học. Lisa chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học. Còn Alexander muốn học nghề kỹ sư cơ khí. Ngoài ngôi nhà, Elisabeth có một tài khoản hơn 50.000 bảng và khoản lương hằng tháng 3.400 bảng. Bà có chút tình cảm với người vệ sĩ của gia đình. Có những người đặt bà viết sách hay làm phim, nhưng bà đều từ chối vì chỉ muốn bình yên.

Ít ai biết, cách đây 7 năm họ là những nạn nhân của một bi kịch khủng khiếp, khiến cả thế giới sửng sốt.

Chân dung tên cầm thú Josef Fritzl.

Elisabeth sinh năm 1966, là con của Josef Fritzl và Rosemairie. Cặp vợ chồng này có tới 7 con: 2 trai 5 gái. Khi Elisabeth ra đời, người cha đã 31 tuổi.

Elisabeth từng bị Josef lạm dụng từ năm 11 tuổi. Sau khi hoàn thành bậc học bắt buộc, năm 15 tuổi, cô tham gia một khóa đào tạo nhân viên nhà hàng. Vào tháng 1 năm 1983, cô đã quyết định bỏ nhà đến thành phố Viên và tá túc ở nhà một người đồng nghiệp vì không thể chịu nổi cảnh bị lạm dụng bởi người cha cầm thú. Sau đó không lâu, cảnh sát đã tìm ra và trao trả cô về với gia đình. Cô buộc phải cam chịu số phận và tiếp tục hoàn thành việc học của mình.

 Elisabeth Fritzl trước khi bị giam cầm.

Vào ngày 29/8/1984, Josef dụ Elisabeth xuống tầng hầm của gia đình với lý do cần sự giúp đỡ. Khi cô đang giúp hắn hàn cánh cửa thì bất ngờ hắn bịt một chiếc khăn tẩm thuốc mê vào miệng khiến cô bất tỉnh rồi ném cô vào căn phòng bí mật ở dưới tầng hầm.

Thấy con mình mất tích, bà Rosemairie đã viết đơn báo cảnh sát về vụ việc. Tuy nhiên, gần một tháng sau, Josef đã đưa ra một bức thư mà hắn ép Elizabeth phải viết. Bức thư được ngụy trang hoàn hảo với dấu của bưu điện Braunau cùng với nội dung nói rằng cô đã chán ngấy việc phải sống với gia đình của mình và hiện cô đang ở cùng với một người bạn, tốt nhất cha mẹ không nên đi tìm cô nếu không cô sẽ trốn khỏi Áo. Tên cầm thú Josef còn nói với cảnh sát rằng có khả năng cô đã tham gia vào một tổ chức tôn giáo nào đó để họ hoàn toàn tin rằng cô đã bỏ trốn thay vì bị mất tích.

 Căn hầm giam giữ Elisabeth cùng 3 người con: Kerstin, Stefan và Felix, chỉ rộng vỏn vẹn 55m2, không có cửa số, và được bảo mật tuyệt đối bởi 8 cánh cửa trong đó 2 cánh được trang bị khóa điện tử chỉ có Josef mới có thể mở.

Kể từ ngày đó, Elizabeth bị giam cầm dưới hầm tối tăm của căn nhà trong suốt 24 năm. Người cha quỷ dữ cứ 3 ngày lại xuống hầm một lần để cung cấp thức ăn và đồ dùng cá nhân cho cô. Trong khoảng thời gian đó, hắn đã cưỡng bức cô khiến cô mang thai 7 lần. Trong 7 đứa trẻ tội nghiệp có một đứa trẻ đã tử vong khi mới được 3 ngày tuổi vì bệnh hô hấp. Josef không cho Elisabeth cơ hội được cứu con. Hắn đã tiêu hủy xác của đứa trẻ ngay trong chính căn nhà của mình. Trong 6 đứa trẻ còn lại, 3 đứa trẻ bao gồm Kerstin, Stefan và Felix bị nhốt chung cùng với mẹ dưới tầng hầm. 3 đứa trẻ còn lại bao gồm Lisa, Monika và Alexander được đưa lên nhà nuôi lớn. Hắn đã nói dối với các nhà hoạt động xã hội rằng nhặt được chúng ở trước cửa nhà. Lời nói này đã gây ra không ít nghi ngờ, thế nhưng tội ác của hắn vẫn được che giấu tinh vi.

 Bên ngoài ngôi nhà của gia đình Fritzl

Josef thường xuống tầng hầm vào buổi sáng lúc 9 giờ với lý do để xem xét máy móc. Thậm chí, hắn còn thường xuyên lưu lại dưới đó vào ban đêm và không cho phép vợ mình vào. Một người thuê phòng ở tầng trên trong suốt 12 năm cho biết họ thường nghe thấy tiếng động lạ phát ra từ dưới tầng hầm. Josef giải thích đó là do hệ thống lò sưởi.

Trong suốt thời gian giam giữ Elisabeth, hắn luôn lấy việc cắt điện và không cung cấp lương thực như là một cách để trừng phạt. Thậm chí hắn còn đe dọa Elisabeth cùng với 3 đứa trẻ rằng hắn sẽ xả khí ga để khiến họ chết ngạt nếu như có ý định bỏ trốn.

Vào ngày 19/4/2008, người con gái lớn Kerstin bị ốm đến bất tỉnh, sau những lời van xin của Elisabeth, hắn cuối cùng cũng cho phép Kerstin đi cấp cứu. Khi đến bệnh viện, Kerstin được chẩn đoán là bị suy thận nặng và có thể đe dọa đến tính mạng. Để che giấu tội ác của mình, hắn đã đưa cho bác sỹ một tờ giấy và nói rằng đó là của mẹ Kerstin. Lúc này, các nhân viên y tế đều cảm thấy ngờ vực về mẩu giấy đó và đã báo cho cảnh sát. Cảnh sát khu vực lập tức mở lại hồ sơ về vụ mất tích kỳ bí của Elisabeth. Tuy nhiên lúc này, Josef vẫn tiếp tục câu chuyện giáo phái mà hắn bịa ra trước đó.

Cảnh sát đã liên hệ với ông Manfred Wohlfahrt, một nhân viên trong nhà thờ chịu trách nhiệm thu thập thông tin về các giáo phái. Người này cho biết không có giáo phái nào bất thường tại đây và tỏ ra nghi ngờ về bức thư của Elisabeth.

 Sau khi lấp kín tầng hầm bằng bê tông, căn nhà "nhuốm đầy tội lỗi" này đã được rao bán với giá 145.000 Bảng Anh, tuy nhiên không có ai mua. Đến tháng 9 năm 2015, nó được biến thành chỗ trú ngụ cho những người tị nạn. 

Sau một tuần từ ngày Kerstin nằm viện, Elisabeth van xin được đến bệnh viện để thăm con. Cô cùng 2 con trai đã được Josef thả đến bệnh viện. Tại đây, cảnh sát đã giữ họ lại để thẩm vấn. Chỉ đến khi cảnh sát hứa rằng cô sẽ không bao giờ phải thấy người cha mạt hạng của mình thêm một lần nữa, Elisabeth mới có đủ dũng khí để kể về 24 năm bị giam cầm khổ sai của mình.

Ngay trong đêm hôm đó, cảnh sát đã bắt Josef Fritzl và thu được một biên bản thẩm vấn dài đến 3 trang giấy. Josef Fritzl, ở tuổi 73, bị bắt vào ngày 26/4/2008 vì phạm nhiều tội nghiêm trọng bao gồm loạn luân, hiếp dâm, cưỡng ép, bỏ tù khổ sai và nô dịch, giết người. Hắn đã bị đưa ra xét xử tại Sankt Polten, Áo vào ngày 16/3/2009 và bị kết án tù chung thân.

 Với nhiều tộ ác không thể dung thứ, Josef nhận mức án tù chung thân.

Sau khi được giải cứu, Elisabeth cùng với mẹ  và 6 người con của cô đã được đưa đến bệnh viện địa phương để điều trị tâm lý và chăm sóc y tế. Cô và 3 đứa trẻ vì bị nhốt dưới hầm tối trong một thời gian quá dài nên cần phải được điều trị bằng những liệu pháp đặc biệt để có thể thích nghi với ánh sáng. Sau thời gian điều trị, cô cùng 6 người con chuyển đến ở tại một ngôi làng hẻo lánh ở phía Bắc nước Áo. Cô chấp nhận bỏ qua lỗi lầm của mẹ và cả hai hàn gắn tình cảm bằng những chuyến thăm nom thường xuyên.

Đến nay, dù Elisabeth và các con đã có một cuộc sống khá êm đềm, nhưng biến cố đã xảy ra vẫn khó phai mờ. Bà Rosemairie, vợ Josef, dù đã có quan hệ bình thường lại với con và các cháu, và chỉ là nạn nhân của tấn thảm kịch, nhưng vẫn luôn phải sống trong dằn vặt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm