Thoát vị đĩa đệm - đau và khổ

04/08/2015 - 17:36
Chờ khám bệnh tại Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Thần kinh, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), anh Nguyễn Hoàng Nam (43 tuổi, ngụ tại huyện Cái Bè, Tiền Giang) vã mồ hôi khi phải chịu đựng những cơn đau thắt kéo dài ở vùng cổ rồi sau đó lan xuống thắt lưng.

Năm 27 tuổi, anh Nam kết hôn với một người phụ nữ cùng quê. Sống với nhau được 6 năm, có 2 mặt con, kinh tế gia đình chật vật nên người vợ bỏ đi làm ăn xa rồi biệt xứ không về. Nhà chỉ có 1 sào ruộng, để có tiền nuôi con, anh Nam xin làm thợ bốc vác vật liệu xây dựng với tiền công mỗi ngày là 130.000 đồng. Anh xoay xở mọi chi tiêu trong gia đình và dành dụm lo tiền ăn học cho con.

Anh Nguyễn Hoàng Nam (phải) đang được bác sĩ thăm khám

Thế nhưng, giữa lúc đang vật lộn với cuộc mưu sinh thì bỗng nhiên, sức khỏe của anh “có vấn đề”. Việc đi làm kiến tiền trở nên vô cùng khó khăn khi gần đây, vùng cổ, vùng cột sống của anh đau nhức dữ dội. Lúc đầu, anh Nam nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi, xoa bóp dầu gió vài ngày là đỡ nhưng càng ngày, các cơn đau càng dai dẳng, khiến anh gặp trở ngại trong các hoạt động hằng ngày. Sau đó, anh Nam đến châm cứu tại một cơ sở tư nhân, điều trị suốt 15 ngày, hết uống thuốc, châm cứu, kéo dãn cột sống, chiếu đèn hồng ngoại mà vẫn không đỡ.

“Trở về nhà, tôi chỉ biết nằm một chỗ, không làm được bất cứ việc gì. Uống thuốc giảm đau thì chỉ đỡ được mấy tiếng. Cứ khoảng 1-2 giờ sáng là cơn đau lưng lại hành hạ. Đêm nào con gái cũng phải dậy để xoa bóp cho ba”, anh tâm sự.

Sau nửa tháng điều trị mà không có kết quả, anh tới Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) để làm xét nghiệm. Kết quả khám lâm sàng cho thấy anh Nam bị thoát vị đĩa đệm đốt sống L4/5, chèn vào rễ thần kinh bên phải. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên cơn đau từ thắt lưng xuống chân mà anh vẫn thường phải chịu đựng.

Nét mặt khắc khổ, anh Nam tâm sự: “Ở quê tôi, hễ ai cho con ăn học đầy đủ thì đều phải đi làm thuê hết, bất kể công việc nặng nhọc. Hơn 10 năm qua, tôi làm mọi việc mà người ta thuê, từ phá nhà, bốc vác xi măng, gánh gạch, đào đất, thông tắc nhà vệ sinh đến những việc nhẹ hơn như trồng cây ăn trái, tưới nước… miễn sao kiếm được tiền. Giờ sức khỏe tôi như vầy thì chẳng ai thuê mướn nữa. Nghĩ mà buồn, lo cho tương lai lắm…”, anh Nam nói, ánh mắt lo lắng trước cuộc phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm sắp diễn ra.

Bệnh thường gặp ở độ tuổi 30-50

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Điền Nhi, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Thần kinh, Bệnh viện Trưng Vương, phân tích: “Đĩa đệm nằm ở khe giữa 2 đốt sống, gồm có lớp vỏ sợi và nhân nhầy. Nhờ tính đàn hồi, đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương. Bệnh thường khởi phát sau một chấn thương vùng cột sống thắt lưng. Khi có một lực tác động mạnh vào cột sống, nhân nhầy có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát vị ra ngoài, chèn ép rễ thần kinh, gây đau cột sống. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 30-50, trên 70 tuổi ít gặp hơn. Bệnh hay bị nhầm với viêm dây thần kinh tọa, căng cơ và một số bệnh về cột sống khác như thoái hóa, giãn dây chằng… nên cần phải tiến hành làm các xét nghiệm chuyên khoa mới phát hiện được”.

Hiện nay, có các biện pháp điều trị nội khoa, Đông y, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cả ngoại khoa. Các trường hợp nhẹ có thể chỉ cần uống thuốc và tập thể dục phù hợp là khỏi, trường hợp bệnh nặng do phát hiện muộn cần phải thực hiện phương pháp phẫu thuật cắt gọt phần đĩa đệm thoát vị chèn vào rễ thần kinh bên phải, đồng thời cấy ghép dụng cụ hỗ trợ cột sống. Thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng hơn 2 giờ đồng hồ với một vết rạch nhỏ khoảng 3cm sau lưng dưới. Nếu hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 3 ngày phẫu thuật nhưng sau đó cần tuân thủ các biện pháp dự phòng bệnh tái phát như: Không được bê, mang vác nặng, nên bỏ rượu, thuốc lá, cần tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên…

Theo bác sĩ Nhi, bệnh thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bệnh nhân có thể tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động.


BS Lê Điền Nhi, Trưởng Khoa Lồng ngực - Mạch máu - Thần kinh, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM)
Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cần phải giữ đúng tư thế trong sinh hoạt hàng ngày, tránh chơi thể thao quá sức, nhất là ở độ tuổi 40 trở lên, tránh lao động nặng, sai tư thế, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Chú ý, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ. Khi có dấu hiệu của các triệu chứng đau thắt liên tục ở vùng cổ, vùng thắt lưng cần đến ngay các bệnh viện chuyên khoa về xương khớp để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm