pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thời tiết miền Bắc chuẩn bị vào đại hàn, ghi nhớ ngay triệu chứng cơn tăng huyết áp phòng ngừa đột quỵ
Cơn tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp của một người tăng lên mức cao một cách bất thường. Tình trạng này có thể gây tổn thương mạch máu và các cơ quan chính của cơ thể. Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết về tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp.
Cơn tăng huyết áp (hypertensive crisis) là khi huyết áp tăng lên nhanh chóng và nghiêm trọng (huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg).
1. Phân loại cơn tăng huyết áp và triệu chứng cơn tăng huyết áp
Cơn tăng huyết áp được chia thành hai loại chính là tăng huyết áp khẩn trương (Hypertensive Urgency) và tăng huyết áp cấp cứu (Hypertensive Emergency).
- Cơn tăng huyết áp khẩn trương (Hypertensive Urgency): Trong trường hợp này, huyết áp tăng cao trên 180/120 mm Hg nhưng không gây ra tổn thương cấp tính cho các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, và mạch máu lớn.
Bệnh nhân có thể không có triệu chứng cụ thể, nhưng một số người có thể bị đau đầu, choáng váng, đánh trống ngực hoặc bồn chồn. Người bệnh thường được điều trị tại nhà với sự điều chỉnh của thuốc hạ huyết áp.
- Cơn tăng huyết áp khẩn cấp (Hypertensive Emergency): Đây là tình trạng cấp cứu y tế khi huyết áp cao gây ra tổn thương cơ quan đích cấp tính. Biến chứng có thể bao gồm suy tim cấp tính, đột quỵ, suy thận cấp, tổn thương võng mạc và hội chứng aortic dissection (phình tách động mạch chủ) thậm chí là đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân có thể trải qua triệu chứng như đau ngực dữ dội, khó thở, thở hụt hơi, buồn nôn và nôn mửa, co giật, mê man, đau đầu, mất thị lực hoặc các dấu hiệu của suy tạng. Điều trị khẩn cấp thường yêu cầu nhập viện và sử dụng thuốc hạ huyết áp qua đường tĩnh mạch.
Như vậy có thể thấy, cơn tăng huyết áp có thể có triệu chứng hoặc không. Khi tự kiểm tra huyết áp của mình có thể thấy chỉ số đo 180 mm Hg/120 mm Hg hoặc cao hơn. Nếu không có triệu chứng nào khác xuất hiện, Hội Tim Mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị chờ 5 phút và đo lại. Nếu chỉ số vẫn cao, thì bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Các triệu chứng của cơn tăng huyết áp dưới đây đều cần tới trợ giúp:
- Đau đầu nghiêm trọng hoặc đau nửa đầu
- Chóng mặt
- Rối loạn nhận thức
- Lo âu nghiêm trọng
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau ngực
- Thay đổi thị lực
- Thở gấp
- Chảy máu cam
- Co giật hoặc động kinh.
2. Nguyên nhân xảy ra cơn tăng huyết áp
Theo Very Well Health, cơn tăng huyết áp thường có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người có tiền sử huyết áp cao, đặc biệt là những người có huyết áp thường trên 140/90 mm Hg. Những cơn tăng huyết áp này cũng thường gặp ở nam giới và những người có thói quen hút thuốc.
Hội Tim Mạch Mỹ (AHA) cũng lưu ý rằng các yếu tố lối sống và tình trạng y tế sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ăn một chế độ ăn không lành mạnh, nhiều muối
- Không có thói quen vận động thể chất thường xuyên
- Hút thuốc
- Có tiền sử bệnh tim mạch
- Có các tình trạng sức khỏe nền, như tiểu đường hoặc bệnh thận
Các yếu tố sau đây thường gắn liền với cơn tăng huyết áp:
- Không uống hoặc quên uống thuốc huyết áp theo đơn
- Uống thuốc gây tương tác với nhau làm tăng huyết áp
- Nghiện rượu
- Sử dụng các chất ma túy bất hợp pháp, như cocaine hoặc amphetamine
- Có tình trạng tim mạch gây nguy hiểm đến tính mạng, như đột quỵ hoặc đau tim
- Trải qua tình trạng suy tạng, như suy tim hoặc suy thận.
3. Chẩn đoán
Để chẩn đoán một cơn tăng huyết áp, bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp nhiều lần và thăm khám các triệu chứng cũng như tiền sử y tế của người bệnh. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về bất kì loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng. Khi nghi ngờ có các nguy cơ tổn thương cơ quan do cơn tăng huyết áp gây ra, một số xét nghiệm có thể được chỉ định. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Kiểm tra thị lực
- Điện tâm đồ
- Siêu âm tim, thận
- Chụp X-quang lồng ngực để kiểm tra tim và phổi
- Chụp CT hoặc MRI não.
4. Đối phó với cơn tăng huyết áp
Phương pháp điều trị đầu tiên cho cơn tăng huyết áp thường là sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp qua đường tĩnh mạch để giảm huyết áp của người bệnh. Các bác sĩ thường nhằm mục tiêu giảm huyết áp không quá 25% trong giờ đầu tiên, vì giảm huyết áp nhanh có thể gây ra các vấn đề khác.
Một khi huyết áp của người bệnh được kiểm soát, bác sĩ thường chuyển sang sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp qua đường uống. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà loại thuốc chỉ định cho bệnh nhân khác nhau sẽ khác nhau. Các yếu tố bao gồm:
- Bệnh nhân có đang mang thai hay không
- Bệnh nhân có tình trạng sức khỏe nền hay không
- Cơn tăng huyết áp có xảy ra do sử dụng ma túy bất hợp pháp hay không.
5. Phòng ngừa cơn tăng huyết áp
Điều quan trọng nhất mà một người mắc bệnh tăng huyết áp có thể làm để ngăn ngừa cơn tăng huyết áp là tuân thủ chính xác việc dùng thuốc điều trị huyết áp theo đơn của bác sĩ. Theo Medical News Today, một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những người thường xuyên không dùng đúng đơn thuốc huyết áp của họ có nguy cơ cao phải nhập viện vì các vấn đề tim mạch.
Dưới đây là một số thay đổi lối sống mà mọi người có thể thực hiện để giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ gặp phải cơn tăng huyết áp.
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh là chế độ giàu trái cây, rau củ và chất xơ cùng với hàm lượng chất béo và muối thấp. Giảm lượng muối nạp vào cơ thể có thể trực tiếp giúp giảm huyết áp.
Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ đã phát triển kế hoạch ăn uống có tên là Dietary Approaches to Stop Hypertension (DASH) dành cho những người muốn hạ huyết áp của mình. Đây là một kế hoạch ăn uống với mục đích kiểm soát calo, bảo vệ sức khỏe tim mạch (bao gồm cả người có nguy cơ và người đang mắc bệnh tăng huyết áp) và không yêu cầu thực phẩm đặc biệt nào.
Chế độ ăn này cũng nhấn mạnh đến việc tiêu thụ nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo; hạn chế chất béo bão hòa và chất béo tổng hợp đồng thời giảm lượng muối tiêu thụ.
Hạn chế lượng rượu tiêu thụ
Tiêu thụ rượu với lượng lớn có thể làm tăng huyết áp đột ngột. Theo công thức chung, 1 đơn vị rượu sẽ chứa từ 8 - 14g là rượu nguyên chất. 1 đơn vị = 1 chén rượu vang 125ml hoặc 270ml bia, hay tương đương 1 chén rượu mạnh thể tích 30ml (cồn 40%) thì nam giới không nên uống quá hai đơn vị rượu mỗi ngày và nữ giới không nên uống quá một đơn vị rượu mỗi ngày.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục đều đặn giúp tim và hệ tuần hoàn khỏe mạnh. Việc vận động cũng có thể giúp mọi người giảm lượng cân dư thừa, từ đó có thể giúp hạ huyết áp cao.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo mọi người nên thực hiện 150 phút tập cường độ vừa phải hàng tuần hoặc 75 phút tập cường độ cao mỗi tuần. Tuy nhiên, những con số này có thể thay đổi tùy theo thể trạng từng người. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên phù hợp.
Tránh hút thuốc
Hút thuốc làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch như đau tim và đột quỵ. Những người hút thuốc có thể muốn nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cách cai thuốc.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và đặc biệt quan trọng đối với hệ tim mạch và hệ tuần hoàn. Nguyên nhân được giải thích là do huyết áp giảm xuống khi bạn ngủ.
Người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Các yếu tố sau có thể giúp cải thiện vệ sinh giấc ngủ của một người:
- Hoạt động thể chất đầy đủ trong ngày
- Thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Theo đuổi một thói quen chuẩn bị đi ngủ nhất quán
- Đảm bảo môi trường ngủ thoải mái, mát mẻ, tối và không có tiếng ồn hay không xao nhãng với các thiết bị điện tử,...
Một cơn tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tăng lên mức bất thường là 180 mm Hg/120 mm Hg hoặc cao hơn. Nếu thấy các triệu chứng bất thường hãy nhanh chóng tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Nếu bạn là người bị tăng huyết áp mãn tính, hãy đảm bảo theo dõi huyết áp thường xuyên trong ngày để kịp thời nhận thấy bất thường.
Bảo vệ sức khỏe khi bị cao huyết áp mùa lạnh
Ngoài các biện pháp phòng ngừa cơn tăng huyết áp kể trên thì vào mùa lạnh, bạn cũng cần:
- Giữ ấm cơ thể: Để đảm bảo cơ thể đủ ấm biện pháp đơn giản nhất là mặc nhiều áo, giữ ấm phần đầu, cổ, bàn chân, tay khi trời lạnh. Bên cạnh đó bạn nên mang khẩu trang để che mũi miệng, tránh tiếp xúc với gió lạnh.
- Hạn chế đi ra ngoài vào ban đêm và sáng sớm. Bởi đây là thời điểm nhiệt độ hạ thấp nhất trong ngày có thể gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Để cơ thể quen với nhiệt độ, khi thức dậy bạn cần thực hiện một số động tác nhẹ làm ấm cơ thể sau khi rời phòng.
- Tuyệt đối không tắm nước lạnh vào ban đêm để đảm bảo huyết áp ổn định.
- Khi ở nhà cần đảm bảo nhiệt độ cơ thể ấm áp không bị thay đổi quá nhiều. Sử dụng lò sưởi, máy điều hoà, đảm bảo phòng thông thoáng, ấm áp, tránh gió lùa.