Bán hàng online là một kênh tương tác tốt và mang lại hiệu quả cao. Lợi thế của bán hàng online là không phải đóng thuế, không mất phí quảng cáo và không tốn tiền mặt bằng nên giá bán thường thấp hơn các cửa hàng. Đây cũng là điểm hấp dẫn khách hàng khi lựa chọn mua online.
Điểm đặc biệ, lượng khách hàng thích mua online thông thường là giới trẻ, lại thường xuyên vào Facebook nên dễ nhìn thấy sản phẩm. Khi đưa hàng lên Facebook, các shop online thường mô tả rất chi tiết sản phẩm nên khách hàng có thể hiểu rõ được thông tin và tính năng của sản phẩm trước khi lựa chọn, lại không mất nhiều thời gian đến tận cửa hàng.
Sự tiện lợi, hiệu quả và tiết kiệm đã đem lại nguồn thu nhập cao cho những người kinh doanh theo hình thức này, mà trong đó đa phần là phụ nữ.
Tuy nhiên, dường như thời “tự do” của loại hình này sắp qua đi. Mới đây, một lần nữa, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) tái khẳng định sẽ truy thu thuế những cá nhân, tổ chức có thu nhập từ mạng xã hội. Hiện Tổng Cục thuế đang tích cực tìm phương án để nhanh chóng truy thu thuế từ bán hàng online.
Cũng theo Tổng Cục thuế, sắp tới nhiều tài khoản Facebook bán hàng online sẽ bị triệu tập để hoàn tất các thủ tục về đăng ký cũng như truy thu thuế.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có hàng ngàn tài khoản có phát sinh doanh thu từ mạng xã hội. Việc truy thu thuế các cá nhân kinh doanh trên Facebook đã được cơ quan thuế đưa ra từ năm 2017. Tuy nhiên, việc này vẫn gặp khá nhiều khó khăn nên đã ngưng lại. Năm 2017, cơ quan thuế cũng từng thu được một khoản thuế lên đến 9,1 tỉ đồng từ tài khoản Facebook bán hàng mỹ phẩm thông qua liên kết với ngân hàng.
Xây dựng hành lang pháp lý
Thực tế, hiện nay Việt Nam đang thiếu một môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số và giao dịch điện tử. Sự chậm trễ này đã khiến các hoạt động kinh tế số (trong đó có cả bán hàng online) tạm thời bị đẩy sang khu vực phi chính thức, buộc cơ quan thuế phải truy thu.
Với hơn 58 triệu người dùng internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nhiều doanh nghiệp thành công trong các công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số, song thành phần kinh tế này có lúc đang bị nhầm là phi chính thức.
Chỉ tính riêng năm 2017, theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này đã triển khai rà soát các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội nhưng chưa kê khai, nộp thuế.
Riêng Chi cục thuế Hà Nội đã rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng, trong đó 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế. Chi cục thuế TP.HCM cũng đã gửi 13.145 giấy mời với trên 15.297 website và tài khoản Facebook do cơ quan thuế thu thập được tới các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử.
Tại Đà Nẵng, Chi cục thuế thành phố này đã rà soát 11.072 chủ tài khoản, Khánh Hòa có 6.729 chủ tài khoản, Nghệ An có 3.545 chủ tài khoản trên mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng… Cũng trong năm 2017, Chính phủ bắt đầu thực hiện kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi này.
Về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng đã đến lúc tạo hành lang cho kinh tế số, trong đó có các loại hình thương mại điện tử phát triển.
“Nếu càng chậm trễ, hoạt động kinh tế số càng bị rơi vào khu vực kinh tế phi chính thức nhiều hơn, bởi đây là lĩnh vực có tốc độ phát triển vũ bão. Để phát triển nền kinh tế số một cách chính quy, hợp pháp, Nhà nước cần kịp thời xây dựng môi trường pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số và giao dịch điện tử. Khung pháp lý cơ bản có thể gồm luật về văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số, để tạo điều kiện cho Nhà nước quản lý tốt lĩnh vực này”, TS Doanh nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, ở Việt Nam xu thế “số hóa” đã xuất hiện trên hầu hết các lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán đến giao thông, giáo dục, y tế... Nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn...), các nền tảng thanh toán trung gian bằng công nghệ QR Code, ví (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo...), mạng xã hội (Zalo), thiết bị IoT (máy bán nước, máy bán bánh pizza tự động tích hợp giải pháp thanh toán điện tử cho máy bán hàng VPOS), thanh toán trực tuyến của các ngân hàng...
Mặc dù vậy, so với thế giới, Việt Nam vẫn chưa phải là nước phát triển mạnh về kinh tế số. Bằng chứng là trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay, tỷ trọng của thương mại điện tử mới chiếm 3,6%, đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình 14,5% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.