pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thông điệp nguy hiểm từ những ca mắc Covid-19 không triệu chứng và diễn biến nặng
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Đồng Nai mới xác định có ca dương tính với Covid-19 vào ngày 2/8. Đó là bệnh nhân P.T.T.Ng. (50 tuổi, phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa)- bệnh nhân 595. Liên quan đến ca nhiễm Covid-19 này, trao đổi với báo chí, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết, bệnh nhân trên không có triệu chứng của bệnh như không sốt, ho, sổ mũi và đau họng...
Trước đó, bệnh nhân 595 có ra Đà Nẵng thăm người thân tại khoa Nội, Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, bà Ng. có gặp BN 510 (chị ruột bà Ng.). Từ ngày 20 đến 25/7, bà Ng. cùng BN 510 thay nhau chăm sóc bố tại tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 25/7, bà Ng. bay từ sân bay Đà Nẵng về TPHCM. Đến ngày 27/7, vợ chồng bà Ng. đi xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và cho kết quả âm tính lần đầu. Sau khi có thông tin chị gái mắc Covid-19, đêm 31/7, vợ chồng bà Ng. được đưa vào cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm chồng bà Ng. âm tính, còn bà Ng. dương tính Covid-19. Sau đó, bà Ng. được chuyển qua Bệnh viện Phổi tỉnh để điều trị.
Thực tế, không ít bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng như bệnh nhân 595. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có tới 23% ca mắc thời gian gần đây không có biểu hiện lâm sàng của bệnh Covid-19 (ho, sốt, khó thở, tức ngực...).
Điều này rất nguy hiểm, vì khiến người nhiễm virus chủ quan, không cách ly mà vẫn có những hoạt động giao tiếp bình thường nên dễ lây nhiễm virus cho người khác. Bởi những trường hợp nhiễm Covid-19, trong thời gian ủ bệnh, vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, những người có yếu tố nguy cơ cao, cần khai báo y tế và cách ly theo quy định.
Nhiều ca bệnh diễn tiến nặng nhanh
TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong số 242 bệnh nhân đang điều trị, có 10 bệnh nhân nguy kịch, thở máy xâm nhập, điều trị tích cực; 3 bệnh nhân nặng; 21 bệnh nhân tiên lượng nặng (có diễn biến nặng lên). Tổng số bệnh nhân tiên lượng nặng, nặng và nguy kịch là 34 trường hợp. Hiện tất cả bác sĩ giỏi đã được huy động điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch, vì đa số bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền phức tạp.
Điều đáng nói là không giống đợt dịch trước, đợt dịch lần này nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 diễn tiến nặng rất nhanh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến 6 người mắc Covid-19 tử vong trong khoảng 10 ngày dịch bùng phát trở lại.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết số ca mắc Covid-19 vừa được phát hiện trong tháng 7 và 8 tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gene cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Dự báo còn thêm nhiều người mắc
Trong khi đó, dịch bệnh này đã xuất hiện trong cộng đồng. Điều đó đồng nghĩa, mầm bệnh Covid-19 cũng đã có trong cộng đồng. Riêng tại Quảng Nam, đã có 7 người trong cùng 1 gia đình mắc Covid-19. Nhiều ca bệnh ở Đà Nẵng cũng do lây chéo trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, số lượng người đi đến từ Đà Nẵng, đi đến các bệnh viện ở Đà Nẵng lớn. Từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất là ở cụm Bệnh viện tại Đà Nẵng (800.000 người đi qua khu vực này. Có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh).
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây, có thể phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác và cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đi trên phương tiện giao thông công cộng, trong chung cư phải có nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…
Trước tình hình này, Bộ Y tế xây dựng khuyến cáo phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hình mới. Cụ thể:
1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7. Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.
8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn/ và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân. 9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.