Thông gia với 'nhà thơ'

01/12/2015 - 08:04
Trong nhà tôi, bố tôi, chị gái tôi và tôi đều làm ngân hàng. Không ai ngờ có ngày bố tôi lại trở thành thông gia với một nhà thơ - tức bố vợ tôi bây giờ.
Hồi mới yêu nhau, lần đầu tiên tôi được Hà rủ về quê chơi thăm nhà cô ấy, điều ngại nhất với tôi là được bố Hà... đọc thơ cho nghe. Ông  đọc không chỉ 1 bài mà tràng giang đại hải hàng chục bài. Thú thật, tôi như ”điếc không sợ súng”, cứ phán bừa, ra sức ”bình loạn” các bài thơ ông đọc. Bài ngắn thì tôi bảo súc tích, bài dài tôi bảo tình cảm, bài trung bình thì bảo thơ có tâm hồn… Trời đất! Thơ không có  tâm hồn thì sao ra thơ, nhưng cứ nói linh tinh để lấy lòng bố vợ tương lai. Nào ngờ bố Hà vỗ đùi đánh đét: ”Thằng này giỏi! Hiểu được  thơ của bác”. Từ đó, thỉnh thoảng ông lại bảo con gái nhắn tôi về chơi. Thực tình là ông muốn khoe thơ với tôi mà thôi.
***
Thế rồi sau khi tôi và Hà đã tìm hiểu ”chín muồi”, các thủ tục cưới xin được diễn ra theo đúng 4 bước: Chơi nhà - dạm ngõ - ăn hỏi - cưới, thì cả 4 bước, bố Hà đều đọc thơ thay lời phát biểu. Bố mẹ tôi về trêu tôi: ”Thằng Quốc có ông bố vợ là nhà thơ, phen này tha hồ được nghe thơ suốt ngày nhé”. Thực ra, bố vợ tôi chỉ là nhà thơ của câu lạc bộ thơ xã nhưng ông có máu nhiệt tình của người làm phong trào cộng với tâm hồn dạt dào nên thơ phú cứ ào ào tuôn ra. Thơ ông viết nhiều như nước chảy, làm xong gặp bất cứ ai ông cũng có thể đọc cho nghe.

Những cuộc điện thoại kéo dài với từng tràng thơ phú của bố vợ khiến tôi ngại ngần (Ảnh minh hoạ)

Hồi đầu, do động cơ tình yêu nên tôi rất chịu khó ngồi nghe. Song, khi đã đạt được mục tiêu lấy được Hà, tôi mới ngại nghe thơ của bố vợ quá chừng. Có hôm tôi đang giờ làm việc cũng: "Quốc ơi, nghe bố đọc thơ qua điện thoại nhé! Bài thơ bố mới làm còn nóng hôi hổi đây”. Bố vợ hỏi thế, ai mà dám bảo không nghe? Thế là lại phải ôm điện thoại cả chục phút để nghe thơ bố vợ. Có lần tôi đang họp thì chuông  điện thoại réo rắt, nhòm vào thấy bố vợ gọi, tôi biết đêm qua ông lại cao hứng cho ra đời 1 bài thơ và bây giờ, ông gọi điện bắt con rể nghe. Song, tôi đành để chuông đổ dài dài  đến vài lần mà không bắt máy.
***
Hôm ấy vừa đi làm về, tôi thấy bố đẻ gọi vào buồng riêng bảo: ”Bố vợ con chiều nay gọi điện cho bố hỏi con có bị làm sao không mà ông ấy điện thoại mãi không thấy trả lời?”. Tôi đành thú thật với bố mình rằng do tôi sợ bố vợ gọi điện đọc thơ nên không dám bắt máy. Tôi vừa nói xong, bố tôi đã cười ngất, rồi ông bảo: ”Anh không nghe thơ bố vợ anh nên tôi phải chịu trận thay anh đấy. Chiều nay ông  ấy đọc cho tôi nghe liền 5 bài thơ trong giờ làm việc, lại đúng lúc tôi đang tiếp khách. Nể quá, chẳng nhẽ bảo thôi tôi không nghe thơ  ông nữa”. Bố tôi là người lịch thiệp, khi ông kể ra điều ấy, tôi biết ông đã phải nhẫn nhịn để làm hài lòng thông gia, chứ ông đâu có ưa gì thơ với phú.

 Dù rất bận và không ưa gì thơ phú nhưng nể thông gia nên bố tôi vẫn nhẫn nhịn lắng nghe (Ảnh minh hoạ)

***
Thế rồi một đêm kia, gần 12 giờ, cả nhà tôi đã đi ngủ, bỗng thấy chuông điện thoại bàn bên phòng bố mẹ tôi réo vang. Tiếp đó, tiếng  bố tôi chuyện trò. Thì ra ông thông gia gọi bố tôi dậy nghe thơ vì ông vừa viết xong mấy bài thơ mà chưa có ai chia sẻ. Ối chao ôi, phải  nửa tiếng đồng hồ chứ không ít, bố tôi cứ ôm điện thoại trong bóng tối mà nghe thơ. Nghe đến ngủ gật mà chưa hết.
May sao ngay lúc đó, vợ tôi biết tình cảnh của bố chồng. Nàng chồm dậy vớ cái điện thoại di động gọi vào điện thoại di động của mẹ đẻ ở quê, nhờ bà cắt hộ mạch cảm xúc của bố nàng. Thế là tiếng nói chuyện bên phòng bố mẹ tôi tắt lịm. Chắc lúc này bố vợ tôi bỏ điện thoại bàn, quay ra nói chuyện với con gái. Tôi nằm cạnh, nghe nàng nói với bố mình: ”Con xin bố, từ nay bố đừng tra tấn nhà chồng con về thơ phú của bố nữa! Bố làm được thơ bố cứ tích vào, bao giờ in ra thành sách rồi hãy đem tặng cho người ta đọc một thể, bố  nhé!”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm